02:14 | 03-10-2016

Ngư dân Cẩm Lộc đổi đời nhờ tàu lớn, đánh xa bờ

ngu dan cam loc doi doi nho tau lon danh xa bo

Xã Cẩm Lộc hiện có 34 tàu công suất trên 90 CV, thường xuyên đánh bắt xa bờ

Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Chi cục Thủy sản) Nguyễn Trọng Nhật cho biết: “Hiện nay, Cẩm Lộc là địa phương có số tàu lớn và hoạt động hiệu quả vào tốp nhất tỉnh. Tàu xa bờ không chỉ đánh ở khu vực Hà Tĩnh, mà còn tận các tỉnh Nam Trung bộ; thậm chí, ra tận Bạch Long Vỹ, Trường Sa… Hàng chục chủ tàu Cẩm Lộc từ chỗ khó khăn, nay đã vươn lên khá giả, giàu có. Nhiều gia đình thực sự đổi đời nhờ đầu tư tàu đánh bắt xa bờ”.

Năm 2013, giữa lúc người dân địa phương vẫn quanh quẩn với thuyền thúng, thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ thì ông Lê Văn Chữ (thôn 8) quyết định đầu tư 640 triệu đồng để đóng tàu công suất 140 CV vươn khơi xa. Với kinh nghiệm đánh bắt xa bờ học được ở Indonesia, Malaysia lúc còn trẻ, nay có tàu lớn trong tay, chỉ trong thời gian ngắn, ông trả hết số tiền nợ đóng tàu và còn xây dựng cho con trai ngôi nhà 2 tầng khang trang, trị giá khoảng 1 tỷ đồng.

ngu dan cam loc doi doi nho tau lon danh xa bo

Ông Lê Văn Chữ chia sẻ với phóng viên về hiệu quả của tàu xa bờ.

Ông Chữ chia sẻ: “Lúc đấy ai cũng bảo tôi khùng mới sắm tàu lớn. Nhưng khi thấy tôi hoạt động hiệu quả, hàng chục gia đình đã mạnh dạn đầu tư. Tôi vừa mới đi đóng cho cháu họ 1 tàu công suất 300 CV, trị giá 740 triệu đồng. Năm ngoái, tôi cũng đi đóng cho cháu con cậu 1 chiếc 300 CV. Tàu hoạt động rất hiệu quả”.

Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang vừa mới khánh thành của con trai cả, ông Chữ phấn khởi: “Cũng nhờ táo bạo sắm tàu mới mà tôi nuôi được cả gia đình. 3 đứa con thì 2 người theo nghiệp biển với bố, cô con út cũng đã học xong đại học làm việc trong miền Nam. Bây giờ, đứa lớn lập gia đình riêng, tôi xây hẳn ngôi nhà 2 tầng cho vợ chồng chúng nó. Tôi có ý định sẽ sắm thêm tàu lớn giao cho thằng thứ 2 làm ăn”.

Hiện tại, ông Chữ giao hẳn tàu lớn cho con trai cả là Lê Văn Phú. Anh Phú cho biết: “Từ tháng 8 âm lịch, vùng biển của ta thường có gió mùa đông bắc nên rất khó đánh. Bởi vậy, tàu chúng tôi thường đi các vùng trong Huế, Đà Nẵng. Mới đây, chúng tôi đi 1 chuyến 7 ngày được 170 triệu đồng”.

Theo anh Phú, tàu công suất 140 CV của anh có bạn (lao động). Trung bình gia đình mỗi bạn có khoảng 6 nhân khẩu ăn theo. Từ con tàu công suất lớn, ông Chữ không chỉ nuôi sống gia đình, nuôi con ăn học, xây nhà cửa khang trang cho con... mà còn nuôi sống hàng chục nhân khẩu khác.

Nhận thấy hiệu quả từ chuyển đổi tàu công suất lớn, cộng với chủ trương phát triển đánh bắt xa bờ của Nhà nước, người dân Cẩm Lộc bắt đầu thay đổi tư duy để vươn ra biển lớn. Anh Lê Văn Quang (thôn 9) cho biết: “Tôi vừa sắm tàu 300 CV cách đây hơn 1 tháng, tổng kinh phí trên 700 triệu đồng. Mới đi được gần chục chuyến, nhưng bước đầu cũng có hiệu quả, thu nhập khá hơn”.

Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Ngọ phấn khởi cho biết: “Tàu xa bờ của Cẩm Lộc phát triển bắt đầu từ năm 2013 đến nay. Trung bình mỗi năm, nhân dân đóng mới 10-12 chiếc. Đến thời điểm hiện tại, có 34 chiếc xa bờ, đa số công suất từ 150 CV trở lên. Hàng chục gia đình đã trở nên khá giả. Hơn thế, đội tàu này còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập trung bình khoảng 100 triệu đồng/lao động/năm sau khi trừ chi phí. Đánh bắt xa bờ được xác định là mũi nhọn kinh tế của địa phương”.

Phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Cẩm Lộc đã cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, nhiều ngư dân cũng chia sẻ, việc đánh bắt xa bờ lâu nay vẫn dựa vào kinh nghiệm là chính, trong khi tàu công suất lớn hiện đại cần phải có kiến thức, trình độ bài bản thì mới phát huy tối đa hiệu quả. Bởi vậy, song song với chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi tàu đánh bắt xa bờ, Nhà nước cần tổ chức tập huấn kỹ năng sử dụng máy móc để hoạt động đạt hiệu quả cao nhất.

Theo baohatinh.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận