Lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh giám sát tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế.
Người dân tại Việt Nam có thể chủ động đăng ký tiêm COVID-19 thông qua 2 hệ thống:
1 . Ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" trên điện thoại thông minh (đối với cá nhân).
2 . Cổng công khai thông tin tiêm chủng COVID-19 (đối với cá nhân và tổ chức) tại địa chỉ: https://tiemchungcovid19.gov.vn.
Hệ thống vận hành sẽ được triển khai theo 5 bước. Đảm bảo công tác từ khi đăng ký tiêm chủng đến khi theo dõi sau tiêm đều được quản lý hiệu quả trên hệ thống.
Người dân thực hiện đăng ký, tra cứu tình trạng tiêm chủng COVID-19 thông qua ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” và Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 tại website: tiemchungcovid19.gov.vn.
Sau đó các sở y tế thực hiện duyệt, phân bổ đối tượng tiêm chủng COVID-19 đến các trung tâm y tế quận/huyện.
Các trung tâm y tế quận/huyện thực hiện lập kế hoạch và cấp phát vaccine về cơ sở tiêm chủng. Tại đây, các cơ sở tiêm chủng thực hiện tiêm chủng COVID-19 theo quy trình tiêm 4 bước của Bộ Y tế.
Sau khi tiêm thành công, người dân có thể thực hiện tra cứu kết quả, chứng nhận tiêm chủng COVID-19 thông qua “Sổ sức khỏe điện tử” và Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19. Đồng thời, người dân có thể chủ động cập nhật các thông tin về phản ứng sau tiêm để cơ sở y tế nắm bắt và hỗ trợ kịp thời.
Toàn bộ các thông tin này sẽ được quản lý tập trung tại Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia. Hỗ trợ Ban Chỉ đạo tiêm chủng Quốc gia truy cập để theo dõi báo cáo kết quả tiêm chủng, điều hành toàn bộ chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc.
Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 năm 2021-2022 đặt mục tiêu sẽ tiêm 150 triệu mũi vaccine COVID-19 cho hơn 70% dân số Việt Nam từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022.
Đây là nền tảng công nghệ được Thủ tướng Chính phủ chính thức khởi động nhằm triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên toàn quốc.
Nền tảng gồm 4 hệ thống: Ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, Cổng công khai thông tin tiêm chủng COVID-19, Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia, Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.
Hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng “Sổ sức khoẻ điện tử”
Bước 1: Cài đặt ứng dụng
Truy cập CH Play trên điện thoại Android hoặc App Store trên điện thoại Iphone. Tìm từ khoá: “Sổ sức khoẻ điện tử”, tải và cài đặt ứng dụng.
Sau khi cài đặt xong, ấn mở hoặc từ màn hình nền nhấp chọn biểu tượng của ứng dụng, chọn “cho phép”, sau đó chọn đăng ký sử dụng. Điền đầy đủ thông tin: Họ và tên, số điện thoại, mật khẩu và nhắc lại mật khẩu, nhấn vào tiếp theo để đăng ký. Hệ thống sẽ trả về mã OTP dưới dạng tin nhắn tới số điện thoại đăng ký. Nhập số OTP, nhấn xác nhận để hoàn thành đăng ký sử dụng.
Bước 2: Đăng ký sử dụng.
Bước 3: Cập nhật thông tin cá nhân
Từ màn hình chính của ứng dụng, ấn vào mục cá nhân, chọn thông tin cá nhân, nhập đầy đủ thông tin cá nhân bao gồm: Số thẻ bảo hiểm y tế, thời gian hiệu lực, ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu, chứng minh thư, căn cước công dân, hộ khẩu thường trú, thông tin sức khoẻ, tiền sử bệnh.
Bước 4: Đăng ký tiêm chủng
Từ màn hình chính, nhấp chọn chức năng đăng ký tiêm chủng, nhập đầy đủ thông tin: ngày đăng ký, đối tượng, tiền sử tiêm, kích chọn vào ô “Đồng ý tiêm chủng” ấn xác nhận để hoàn thành đăng ký tiêm.
Bước 5: Khai báo y tế
Từ màn hình chính của ứng dụng, nhấp chọn vào chức năng khai báo y tế. Tích vào chọn khai hộ nếu thực hiện khai hộ người khác. Nhập đầy đủ và chính xác thông tin như trên tờ khai yêu cầu, nhập mã bảo mật và nhấn chọn gửi tờ khai để hoàn thành khai báo y tế.
Tab danh sách tờ khai có danh sách tờ khai y tế đã nộp bao gồm thông tin ngày giờ và mã QR code để truy suất thông tin khi cần.
Bước 6: Sử dụng ứng dụng tại điểm tiêm chủng
Sau khi nộp đăng ký tiêm và được cơ quan y tế mời đến tiêm, người sử dụng ứng dụng từ màn hình chính truy cập vào chức năng “Mã sổ sức khoẻ” để hiển thị Mã QR, người dùng cung cấp mã này cho nhân viên y tế sẽ dùng dụng cụ quét mã để truy suất thông tin người dùng nhanh chóng.
Tuỳ tình trạng tiêm chủng của người dùng, các đơn vị liên quan sẽ tiến hành cập nhật thông tin tiêm của người dùng lên hệ thống, và sẽ trả về chứng nhận tiêm chủng gồm các trạng thái: “Chưa tiêm vacxin”, “Đã tiêm 1 mũi vacxin”, “Đã tiêm 2 mũi vacxin” .
Người dùng cũng có thể phản ánh lại cho cơ quan chức năng phản ứng sau tiêm ở chức năng “Phản ứng sau tiêm” trên màn hình chính của ứng dụng.
Ngoài ra trên ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử hiện đang tích hợp nhiều chức năng khác: Quét mã QR, hồ sơ sức khoẻ, thành viên gia đình, đặt khám, lịch sử tư vấn, nơi đã đến, dịch vụ khác, lịch hẹn, thông báo…
Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 quốc gia sẽ diễn ra trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố với 19.500 điểm tiêm chủng. Thông qua chiến dịch, Bộ Y tế kỳ vọng hết năm 2021, sẽ tiêm vắc-xin cho tối thiểu 50% người dân từ 18 tuổi trở lên và hết quý I/2022, tiêm được hơn 70% dân số. Tham gia vào chiến dịch, Viettel được giao nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tiêm chủng, cụ thể: xây dựng nền tảng công nghệ quản lý toàn bộ chiến dịch; triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân, hệ thống chứng nhận tiêm chủng và xây dựng tài liệu, phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn cho các tỉnh về chuẩn hóa cơ sở dữ liệu và sử dụng nền tảng quản lý. |