<table border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" class="TT_TinChiTiet_Vien" style="font-family:tahoma,arial,verdana; margin-left:4px; margin-top:4px; >
Đó là một trong những ý kiến của các nhà khoa học tại buổi “Đóng góp ý kiến cho Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi” do Ủy ban môi trường và Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Mỏi mòn chờ “cởi trói”
Bên cạnh những góp ý cụ thể về điều, chương, câu từ trong Luật, nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đóng góp vào dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi đã toát lên tinh thần “Nói thẳng nói thật”.
Theo GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam thì những đổi mới về Khoa học công nghệ (KHCN) và Nghị quyết của Trung ương 6 cho thấy cơ hội mới nhưng cũng còn nhiều việc phải làm về phát triển và quản lý các tổ chức KHCN cả nước trong thời kỳ mới. GS Thái bày tỏ: “Mọi người đều nói Nghị định 115/2005/NĐ-CP là một bước cởi trói cho tổ chức KHCN. Đúng, nhưng chưa phải đã xong. Vì toàn bộ khung cơ chế chưa thể thay đổi, nên các đổi thay này mới chỉ là các tiền đề ban đầu”.
Về đổi mới, cởi trói, ông Thái cho rằng cần phải thực hiện từ gốc đến ngọn. Theo ông, với các tổ chức KHCN công lập, các ràng buộc đang tháo cởi khá rõ. Để tạo hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi cơ chế của các tổ chức KH&CN công lập đã có Nghị định 115/2005/NĐ-CP và Nghị định 80/2007/NĐ-CP, sau đó là hàng loạt các thông tư hướng dẫn. Thế nhưng, mấy thông tư này cần phải qua 5 năm chờ đợi, và mấy năm để thi hành.
Theo TS Thái, việc quản lý các tổ chức KHCN vẫn còn vướng nhiều. Có thể nói, trước ràng buộc về quyền của Bộ Nội vụ và tiền của Bộ Tài chính, vai trò của Bộ KH&CN không tự chủ hoạt động theo ý tưởng của Luật, và do đó, các tổ chức KH&CN phía dưới” cũng không có nhiều không gian “tự do” để hoạt động. Mạng lưới công lập còn rườm rà, trong khi mạng lưới “dân khoa học công nghệ” còn sơ khai, kém phát triển.
PGS.TS Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký VUSTA, cho rằng, Luật KH&CN sửa đổi phải là cơ sở đảm bảo điều kiện pháp lý cho các nhà khoa học có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học xã hội có nhiều vấn đề nhạy cảm. Phải đưa các viện nghiên cứu cơ bản về lại các trường đại học, các phòng thí nghiệm hay viện công nghệ về doanh nghiệp. Nếu tốt hơn, thành lập các doanh nghiệp khoa học vận hành theo cơ chế thị trường. “Nghiên cứu và áp dụng triệt để cơ chế khoán gọn và trả tiền theo kết quả nghiên cứu được đánh giá bởi các công trình đăng trên tạp chí, các kết quả nghiệm thu trên cơ sở thành lập các hội đồng thực sự nghiêm túc” TS San góp ý.
Còn đầy rẫy khó khăn
Điều mà giới chuyên môn đánh giá còn thiếu nhất ở bản dự thảo Luật KH&CN sửa đổi lần này là sự chưa làm rõ quyền của tổ chức KH&CN. Đồng thời có sự phân biệt giữa tổ chức công lập và ngoài công lập. Trong khi đó, với các tổ chức KHCN tư nhân và cả của các Hội vẫn còn đầy rẫy khó khăn.
Bà Đỗ Thị Vân, Trưởng ban Tổ chức cán bộ VUSTA góp ý, Luật cần thể hiện sự đơn giản hóa trong thủ tục thành lập và giải thể. Khuyến khích tổ chức KH&CN ngoài nhà nước được tư vấn, phản biện độc lập.
GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch hội Giống cây trồng Việt Nam nhấn mạnh: hệ thống tổ chức KH&CN tuy gia tăng về số lượng nhưng chưa được quy hoạch thống nhất trong toàn quốc, phân bổ còn bất hợp lý giữa các vùng miền, hiệu quả hoạt động chưa cao, còn chồng chéo trong chức năng , nhiệm vụ. Hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN nhìn chung còn thấp.Chưa có nhiều viện nghiên cứu, trường đại học đạt trình độ quốc tế, kể cả khu vực ASEAN.Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chưa thực sự trở thành viện đầu ngành để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong ngành, trong từng lĩnh vực.
Cần có sự đổi mới toàn diện, trước hết đổi mới hệ thống tổ chức và cơ chế hoạt động khoa học công nghệ thể hiện bằng chương trình hành động cụ thể của từng tổ chức, từng cá nhân, trong đó đặc biệt coi trọng đổi mới hệ thống tổ chức khoa học công nghệ và cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ.
Các nhà khoa học đang mong chờ vào sự đổi mới toàn diện từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước đối với KH&CN, nhanh chóng đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Nói như PGS.TS Hồ Uy Liêm, nguyên Phó chủ tịch VUSTA, nếu không quyết tâm bằng những quyết sách cụ thể để KH&CN thực sự được đổi mới, nếu không cứ nói KH&CN cũng chỉ là đại ngôn”. |
Theo: Baodatviet.vn