Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 11 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội Đảng gắn với những nhiệm vụ chính trị khác nhau, nhưng đều hoàn thành sứ mệnh là đánh giá lại chặng đường đã qua và vạch ra chiến lược để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn tiếp theo.
Mùa xuân 1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái Quốc với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, đã tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng được tổ chức vào tháng 3/1935 có vai trò rất quan trọng vì đã vạch ra con đường đấu tranh để nước ta giành độc lập, đề ra 3 nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của Đảng là củng cố và phát triển Đảng; đẩy mạnh cuộc vận động quần chúng; chống chiến tranh đế quốc.
Đại hội Đảng lần II (Ảnh tư liệu) |
Đến tháng 2/1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng có ý nghĩa lịch sử khi đưa ra những quyết sách để nước ta giành được thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Dấu ấn của Đại hội này là phát huy đến mức cao nhất sự thống nhất toàn dân, do vậy Đảng đã đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, hướng vào một mục tiêu cao nhất là giải phóng dân tộc. Đây là Đại hội của khối đoàn kết toàn dân mà Đảng Lao động Việt Nam là hạt nhân.
Đại hội III của Đảng diễn ra vào tháng 9 năm 1960, đưa ra quyết định lớn là cùng lúc thực hiện 2 chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, chỉ ra con đường duy nhất của cách mạng Việt Nam là cầm súng đứng lên để giải phóng miền Nam bằng bạo lực cách mạng.
Những quyết sách đúng đắn của 3 kỳ Đại hội trên đã giúp Đảng ta chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Tháng 12/1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Đại hội IV quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau đó, Đại hội V của Đảng được tổ chức tháng 3/1982, nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng của nước ta trong giai đoạn mới là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời xác định rõ mối quan hệ mật thiết giữa hai nhiệm vụ chiến lược này trong tình hình mới.
Một trong những kỳ Đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, diễn ra vào tháng 12/1986. Đây là Đại hội quyết định đường lối đổi mới của đất nước.
Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội VI của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế hiện vật, kế hoạch, phi hàng hóa, phi thị trường, đồng thời nhấn mạnh phải đổi mới toàn diện, trong đó phải đổi mới tư duy mà trước hết là tư duy kinh tế.
Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng cho rằng, đây là bước đột phá quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng, tạo tiền đề cho việc triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới trên mọi lĩnh vực, nhất là đổi mới về kinh tế để chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội Đảng lần VI (Ảnh tư liệu) |
Các kỳ Đại hội VII đến Đại hội XI đã tiếp tục đường lối đổi mới mà Đại hội VI đề ra, tổng kết những vấn đề lý luận - thực tiễn trong quá trình đổi mới, rút ra bài học kinh nghiệm, định hướng về nhận thức, hành động trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.
Sau gần 30 năm đổi mới, nước ta đạt được những thành tựu kinh tế xã hội to lớn, ra khỏi các nước kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến lớn trong công tác đối ngoại, thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu, đưa nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và trên thế giới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 20-28/1/2016, trong bối cảnh đất nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, thứ nhất là sau 30 năm đổi mới với rất nhiều thành tựu, đất nước ta đã vươn lên mạnh mẽ, nhưng nền kinh tế của nước ta cũng mới vượt qua khủng hoảng và có những bước khởi sắc ban đầu.
Thách thức thứ 2 là sau một thời gian tương đối yên tâm về sự nghiệp ổn định, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, độc lập tự chủ, thì những nguy cơ xâm phạm chủ quyền lại đang xuất hiện.
Vì vậy, những chủ trương của Đảng qua Đại hội XII có ý nghĩa rất lớn, phải làm sao chuyển tất cả thách thức thành cơ hội bằng trí tuệ, dũng khí và quyết tâm. Đây là yêu cầu khó hơn rất nhiều so với yêu cầu của các kỳ Đại hội từ sau Đại hội VI cho đến nay.
Đại hội Đảng lần thứ XI. Ảnh: tuyengiao.vn |
Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng: nếu như Đại hội VI mở ra rất nhiều tiềm năng phát triển bằng việc "cởi trói", mở cửa hội nhập sâu rộng, thì Đại hội XII cần tiếp tục đổi mới về tư duy để chuyển sang một giai đoạn mới thay đổi về chất.
“Không phải riêng tôi mà tất cả nhân dân, trong đó có giới trí thức đều rất kỳ vọng vào Đại hội XII này, làm sao chúng ta phải có tư duy đổi mới thật là sắc bén, quyết tâm thật lớn lao để tìm chọn được ra những người đủ dũng khí, đủ bản lĩnh, đủ trí tuệ để đưa đất nước “cất cánh”. Ở đây không có chỗ cho việc bảo thủ lạc hậu, không có chỗ cho sự ỷ lại vào những điều kiện thuận lợi, cũng không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của ai đó, mà chúng ta phải tự lực cánh sinh, phải giữ vững con đường độc lập tự chủ, nhưng đồng thời phải chấp nhận những đổi thay mạnh mẽ, chứ nếu phát triển theo cách cầm chừng thì có thể sẽ bị đào thải, thậm chí phải trả giá rất đắt cho giai đoạn lịch sử mới này”, GS Vũ Minh Giang nói.
Trải qua 11 kỳ Đại hội, Đảng ta đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, giành được những thắng lợi hết sức to lớn, chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đó là cơ sở để nhân dân tin tưởng, Đại hội XII của Đảng sẽ tiếp tục đưa ra được những chủ trương đúng đắn, thể hiện sự đổi mới về tư duy, đặc biệt sẽ chọn được những nhân tố đủ tài, có tâm và tầm để lãnh đạo, đưa đất nước đi lên./.
Theo Lưu Huyền/VOV.VN