03:08 | 13-04-2017

Những doanh nghiệp khởi nghiệp từ rác

Trước thực trạng đó, nhiều startup đã ra đời với mục đích tái sử dụng chất thải để chúng một lần nữa trở thành hữu ích, thay vì là nguồn gây ô nhiễm.
Ứng dụng tặng thức ăn thừa
Theo Tổ chức Nông - Lương của Liên Hợp Quốc (FAO), 1/3 lượng thực phẩm được sản xuất trên thế giới, tức khoảng 1,3 tỷ tấn mỗi năm bị lãng phí hoặc thất thoát. Chi phí để xử lý chúng là 680 tỷ USD ở các nước công nghệ phát triển và 310 tỷ USD ở các nước đang phát triển. Trước thực tế đó, một ứng dụng trên điện thoại di động có tên Spoiler Alert đã ra đời, cho phép bạn tặng thức ăn thừa thay vì vứt bỏ. Hiện rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm và trang trại Mỹ sử dụng Spoiler Alert. Điều này có nghĩa là lương thực sẽ đến được với người cần nó thay vì bị bỏ vào thùng rác và tốn công, của để xử lý.

Logo của startup Spoiler Alert - ứng dụng đang được nhiều doanh nghiệp, nông trại Mỹ sử dụng. Ảnh: Cloudinary
Dệt vải từ chất thải nhựa
Tờ Forbes cho hay, mỗi năm con người sử dụng trên 300 triệu tấn nhựa mới và ném xuống biển 8 triệu tấn chất thải nhựa. Mới đây, startup Bionic Yarn tại New York (Mỹ) đã khởi động chiến dịch biến chất thải nhựa ở đại dương thành vải, sợi. Pharrell Williams - Giám đốc sáng tạo của công ty - đã hợp tác với nhiều hãng thời trang như G-Star và O’Neill để đưa loại vải, sợi này vào hàng loạt sản phẩm từ đồ jeans đến áo trượt tuyết. Theo Huffington Post, Bionic Yarn đã tái chế 7 triệu chai nhựa từ bờ biển.

Chiến dịch biến chất thải nhựa ở đại dương thành vải và sợi ở Mỹ. Ảnh: Thpfashion
Sản xuất ván trượt từ lưới đánh cá
Các đại dương đang bẩn hơn bao giờ hết. Theo Quỹ Động vật hoang dã thế giới, mỗi năm có khoảng 1 triệu con chim biển chết do ô nhiễm đại dương; 300.000 con cá heo chết do vướng vào lưới đánh cá hỏng bị ngư dân vứt ra biển cùng các loại rác thải khác. Bureo - một công ty khởi nghiệp ở Chile - đã thực hiện chiến dịch làm sạch đại dương và cứu các động vật biển bằng cách sản xuất ván trượt từ các tấm lưới đánh cá bị vứt bỏ.

Ván trượt làm từ lưới đánh cá bị vứt bỏ của Bureo. Ảnh: Insideflows
Tái chế rác thải điện thoại
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, số điện thoại ở Ấn Độ - một trong những quốc gia có nhiều rác thải điện tử nhất thế giới - còn nhiều hơn cả số toilet. Do đó, xử lý chất thải điện tử trở thành một thị trường béo bở ở đây. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết, tổng giá trị các thương vụ mua bán và xử lý chất thải điện tử bất hợp pháp ở Ấn Độ lên tới 19 tỷ USD mỗi năm. Nắm bắt xu hướng này, Công ty startup Karma Recycling đã ra đời, chuyên mua điện thoại cũ, sửa chữa và bán lại chúng qua các nền tảng kinh doanh trực tuyến.

Aamir Jariwala và Akshat Ghiya - “cha đẻ” của Karma Recycling. Ảnh: Techinasia
Đồ chơi “xanh”
Tuy đồ chơi và vật dụng trẻ em chiếm ít hơn 1% lượng rác thải trung bình của một hộ gia đình nhưng với 1,9 tỷ trẻ em trên toàn thế giới, lượng rác này vô cùng lớn. Green Toys - một startup tại California, Mỹ - đang góp sức giải quyết điều đó bằng cách thu mua bình sữa trẻ em rồi tái chế chúng thành đồ chơi. Hiện công ty đã tái chế được 45 triệu bình sữa và chắc chắn con số này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Một sản phẩm đồ chơi làm từ vật liệu tái chế của Green Toys. Ảnh: Amazon
Theo: khoahocphattrien.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận