Gia đình bà Trần Thị Hậu, xã Hương Bình (Hương Khê) đã làm chủ công nghệ và sản xuất đại trà bịch nấm cung ứng cho thị trường.
Nhờ được chuyển giao công nghệ từ Trung tâm Nghiên cứu phát triển nấm và Tài nguyên sinh vật (gọi tắt là Trung tâm), đến nay, gia đình bà Trần Thị Hậu - thôn Bình Hải, xã Hương Bình, Hương Khê đã làm chủ công nghệ và sản xuất đại trà bịch nấm, không chỉ phục vụ sản xuất mà còn cung ứng cho các gia đình khác trên địa bàn.
Từ nghề trồng nấm, bà Hậu thu lợi nhuận trên 150 triệu đồng/năm.
Bà Hậu cho biết, là một trong những hộ đầu tiên được hưởng chính sách để theo nghề trồng nấm ở Hương Khê, chúng tôi được hỗ trợ cả về vốn và kỹ thuật. Ban đầu, gia đình chỉ trồng nấm thương phẩm bằng cách mua bịch nấm từ Trung tâm. Về sau, để mở rộng quy mô sản xuất và được sự động viên, khuyến khích của Nhà nước, chúng tôi mạnh dạn đầu tư lò hấp và nhà xưởng để xản xuất nấm giống.
Hiện tại, mỗi năm, gia đình sản xuất khoảng 60.000 bịch nấm, trong đó 30.000 bịch được bán ra thị trường. Lợi nhuận từ nấm đạt trên 150 triệu đồng/năm.
Cơ sở sản xuất nấm của bà Nguyễn Thị Sen (Thanh Lộc, Can Lộc) sản xuất bịch nấm từ nguyên liệu 100% bằng rơm.
Tương tự, được chuyển giao kỹ thuật, gia đình bà Nguyễn Thị Sen, thôn Hợp Sơn, xã Thanh Lộc (Can Lộc) cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, công nghệ làm nấm giống. Bà Sen còn trăn trở tìm hướng đi khác để sản xuất.
Bà Sen chia sẻ, muốn tìm hướng đi riêng, thay vì bột cưa, chúng tôi sản xuất bịch nấm từ nguyên liệu 100% bằng rơm. Sản phẩm được khách hàng ưa chuộng. Do đó, cơ sở hiện đang tiếp tục mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sản phẩm nấm sò của gia đình bà Sen hiện đã xây dựng được nhãn mác riêng, vừa được cấp tỉnh chấm điểm đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Hiện tại, trên diện tích khoảng 500m 2 , mô hình sản xuất nấm của bà Sen đạt công suất 45.000 bịch/năm, trong đó xuất ra thị trường khoảng 15.000 bịch. Lợi nhuận từ cả nấm giống và nấm thương phẩm đạt không dưới 300 triệu đồng/năm. Sản phẩm nấm sò của gia đình bà hiện đã xây dựng được nhãn mác riêng, vừa được cấp tỉnh chấm điểm đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Ông Trần Đức Hậu, Giám đốc Trung tâm nấm Hà Tĩnh cho hay, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 13 cơ sở đầu tư sản xuất và cung ứng giống nấm với tổng công suất lò hấp đạt 13.200 bịch giống/mẻ. Sản lượng bịch giống sản xuất qua các năm theo chiều hướng tăng dần, cao nhất là 2020 với 1.144.000 bịch (gấp 5 lần so với 2013).
Hà Tĩnh hiện có 116 tổ chức, cá nhân đang sản xuất nấm thương phẩm.
Về nấm thương phẩm, theo thống kê của Sở KH&CN, đến nay Hà Tĩnh có 116 tổ chức, cá nhân đang sản xuất với quy mô 27.770m 2 lán trại, trong đó có 7 cơ sở có diện tích trên 500m 2 . Thị trường nấm chủ yếu là tiêu thụ trong tỉnh thông qua các kênh bán lẻ.
Những năm gần đây, Trung tâm nấm và một số tổ chức trong tỉnh đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường nấm tươi ra các tỉnh, thành như: Hà Nội, Nghệ An. Thời gian gần đây, Trung tâm còn chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường ra các nước như: Pháp, Thái Lan, Lào.
Sau 7 năm triển khai đề án Phát triển sản xuất nấm tại Hà Tĩnh, nghề sản xuất nấm đã được hình thành.
Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn cho biết, 7 năm triển khai đề án Phát triển sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu tỉnh Hà Tĩnh đã tạo thêm một nghề mới “nghề sản xuất nấm” và có thêm một sản phẩm mới “nấm Hà Tĩnh” trong các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Kết quả đề án cũng đã thành lập và đưa Trung tâm nấm hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được việc sản xuất và cung ứng giống trên địa bàn, là đầu tàu trong sản xuất cung ứng giống và tiêu thụ sản phẩm nấm của tỉnh. Cùng đó, hình thành nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất nấm với quy mô lán trại lớn, sản xuất đa dạng các loại nấm.
Nấm Hà Tĩnh - một trong các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh
Hà Tĩnh có 9 loại nấm ăn và nấm dược liệu được đưa vào sản xuất gồm: nấm sò, mộc nhĩ, nấm rơm, nấm mỡ, linh chi, nấm đùi gà, kim châm, ngọc châm, đầu khỉ. Trong đó, phổ biến nhất là nấm sò, mộc nhĩ, nấm rơm và nấm linh chi. Nấm mộc nhỉ được sản xuất nhiều nhất với 50,6%, nấm sò 44,8%. |
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn