01:44 | 15-03-2019

Nông nghiệp mới và nguồn nhân lực mới

“Trong thời đại đổi mới ngày nay, một doanh nghiệp tạo tác động xã hội muốn phát triển bền vững phải đi theo mô hình chuỗi giá trị và hệ sinh thái. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp xanh, điều đó còn quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết,” đó là chia sẻ của anh Huỳnh Hạnh Phúc, nhà sáng lập của Green Eduvà Quỹ Khởi nghiệp xanh trên quê hương Việt Nam (Green Startup Foundation) khi được hỏi đâu là hướng đi cần thiết cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội trong nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại.
Anh Huỳnh Hạnh Phúc | Ảnh: Green Edu
Anh Huỳnh Hạnh Phúc | Ảnh: Green Edu
Một cách đơn giản, chuỗi giá trị nông nghiệp thường đề cập đến toàn bộ chuỗi hàng hoá và dịch vụ cần thiết cho sản phẩm nông nghiệp di chuyển từ khâu nguyên liệu đầu vào, sản xuất thu hoạch, chế biến xử lí, mua bán trên thị trường và đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Trung tâm của mô hình chuỗi là ý tưởng các thành phần liên kết với nhau kéo dài và liên tục.
Tại Việt Nam, mô hình chuỗi trong nông nghiệp đang được xem là một hướng đi mới, nhận được sự quan tâm không chỉ từ doanh nghiệp mà còn chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới chỉ có những chuỗi giá trị nông nghiệp ở cấp độ cá nhân, phân tán, nhỏ lẻ và manh mún. Việc hợp tác theo chiều dọc còn rất hạn chế, sự nhận thức chuyển đổi và cơ sở hạ tầng đều chưa đủ đáp ứng yêu cầu của một chuỗi giá trị, khiến cho các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài khá e dè trong việc đi vào ngành nông nghiệp vì chi phí cao.
“Thực trạng này xuất phát từ 3 lí do” - anh Huỳnh Hạnh Phúc nói. Thứ nhất, nguồn cung và cầu không gặp nhau bởi vì nông nghiệp của chúng ta đang đi theo hướng ngược là sản xuất rồi mới tìm thị trường, khiến cho sản phẩm tạo ra thừa mà không tiêu thụ được. Thứ hai là vai trò của các bộ ngành trong việc ban hành và thực thi chính sách liên kết nông nghiệp, liên kết vùng thực sự còn khá yếu. Thứ ba là thiếu nhân lực có tri thức mới để áp dụng các mô hình kinh tế công nghệ 4.0 vào nền nông nghiệp hiện tại, bởi hiện nay giá trị trong từng khâu của chuỗi chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các đột phá công nghệ như Internet vạn vật (IoT), công nghệ sinh học, ứng dụng truy xuất nguồn gốc,…
Chuỗi giá trị nông nghiệp | Ảnh: Raj Verma/Business Today
Chuỗi giá trị nông nghiệp | Ảnh: Raj Verma/Business Today
Anh cho rằng hơn 70% dân số Việt Nam đang sống nhờ vào nông nghiệp, nhưng đời sống đôi khi rất bấp bênh, suy nghĩ ngắn hạn và hiện có nhiều con em nhà nông phải bỏ học đi làm vì kinh tế khó khăn. Bởi vậy, để thay đổi cuộc sống của những người đó, anh Phúc cùng các cộng sự thành lập công ty đào tạo Green Edu với mong muốn trước tiên thay đổi hệ sinh thái giáo dục và nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp.
Ban đầu, nguồn lực chỉ dựa trên sự tự chủ của các nhà sáng lập, nhưng dần dần đã hợp tác được với các bên như chính quyền tỉnh Tây Ninh, Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Nhà máy chế biến rau củ Tanifood Tây Ninh (là một trong 5 nhà máy đại nhất khu vực châu Á), các công ty bán lẻ kết nối đầu ra, bao tiêu sản xuất trên thị trường,… Anh đã xây dựng Quỹ khởi nghiệp xanh và đang kêu gọi thêm vốn từ các tổ chức phi lợi nhuận như ADB, World Bank để hỗ trợ đầu tư và tái đầu tư cho các bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam. Điều này, theo anh Phúc, sẽ giúp xúc tiến quá trình liên kết các mắt xích để hình thành chuỗi giá trị định hướng theo thị trường ở nhiều địa phương.
Huỳnh Hạnh Phúc sẽ là một trong những diễn giả tại Diễn đàn Doanh nghiệp tạo tác động xã hội (Impact Enterprise Summit 2019) ngày 30/3/2019 tại Hồ Chí Minh để chia sẻ góc nhìn về nông nghiệp.
Theo: khoahocphattrien.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận