Khi Hà Tĩnh bước vào xây dựng nông thôn mới thì cũng là lúc tỉnh xác định mở đầu tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xóa bỏ dần tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún, xây dựng nền sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi, tạo mối quan hệ biện chứng giữa doanh nghiệp (DN) - nông dân. Có thể nói, so với các ngành khác thì nông nghiệp giữ thế tiên phong đổi mới, thậm chí, động thái “đón đầu” nền nông nghiệp hiện đại của Hà Tĩnh đến trước cả chủ trương của T.Ư.
Ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Hà Tĩnh đã mạnh dạn đổi mới tư duy, cách làm; sớm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển một bước từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa; ban hành nhiều cơ chế, chính sách sát thực và tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất theo mô hình tăng trưởng mới, ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển đa dạng các loại hình liên kết sản xuất giữa DN với hộ nông dân. Đó chính là tiền đề quan trọng để nông nghiệp bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”.
Hơn 9.000 mô hình thành lập mới, trong đó, nông dân giữ thế chủ thể sản xuất đã đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành năm 2015 đạt 7,7%, gấp hơn 2 lần bình quân cả nước. Thu nhập bình quân đầu người tăng cao, cuộc sống cư dân nông thôn được cải thiện.
Vốn là địa phương có lợi thế về nuôi tôm nhưng hàng chục năm trời, Cẩm Xuyên chỉ quẩn quanh theo lối truyền thống, quảng canh, “được ăn cả, ngã về không”. Một phần là tập quán nhưng lý do “níu áo” người sản xuất vẫn là nguồn vốn đầu tư. Từ năm 2013, được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nghề nuôi tôm ở Cẩm Xuyên đã bước sang trang mới. Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Các chính sách của tỉnh, huyện thực sự là “cú hích” tiếp thêm sức mạnh để người nông dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi từ hình thức quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh. Đến nay, 100% diện tích đã được chuyển đổi với 15% là bán thâm canh và 85% thâm canh”.
Cũng từ chính sách đó, nhiều miền đất tiềm năng đã được đánh thức. Chưa bao giờ nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao lại phát triển mạnh đến vậy. Đặc biệt, chỉ trong vòng vài năm, diện tích nuôi tôm trên cát của toàn tỉnh tăng gần 300% với hàng chục trang trại cho doanh thu trên 2 tỷ đồng/ha/năm. Trước ngưỡng cửa hội nhập, những ông chủ nhạy bén chuyển hướng đầu tư quy trình nuôi theo công nghệ cao, đón đầu thị trường mới.
Trong công cuộc chinh phục ấy phải kể đến một trong những lĩnh vực “mở đường” chính là sản xuất rau, củ, quả trên cát. Hiện thực hóa ước mơ chinh phục miền đất cát, lần đầu tiên người nông dân được tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại nhất, chuyên nghiệp nhất. Và, cũng là lần đầu tiên, một hình thức sản xuất mới được thực hiện - liên kết với DN theo chuỗi giá trị. Với hình thức này, người sản xuất đóng vai trò là một “mắt xích”, dù nhỏ nhưng không bị đánh bật ra khỏi guồng quay của sự phát triển và bị phụ thuộc vào thị trường như trước.
Sau 3 năm, thương hiệu của sản phẩm đã vượt ra ngoại tỉnh, nhiều đối tác đến đặt vấn đề kết nối, hợp tác sản xuất. Quan trọng hơn, bài học “cọ xát” hôm nay chính là hành trang để người nông dân mới vững vàng trên con đường hội nhập. Chị Trần Thị Việt Hà – Giám đốc HTX Thương mại, Dịch vụ tổng hợp Hà Trung (Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) cho biết: “Chúng tôi vừa có sản phẩm thu hoạch, vừa xuống giống các loại rau, củ chính là cải củ và hành lá. Phần lớn diện tích vẫn là đối tác chủ lực Mitraco nhưng chúng tôi cũng mời gọi một số DN khác để chủ động hơn trên thị trường”.
Những cái “bắt tay” của nông dân với nông dân, nông dân với DN đã tạo nên những giá trị mới trong sản xuất. Dần dần sẽ không còn những người sản xuất nhỏ lẻ, cạnh tranh trong thế yếu với các DN lớn mà trở thành những HTX, tổ hợp tác có chung chí hướng, chung vốn, chung hạch toán lợi nhuận để sản xuất lớn. Nền nông nghiệp truyền thống đang dần được “cởi trói”, mở cửa đón nền kinh tế hội nhập…
Baohatinh.vn