Tuyến tụy người trong cơ thể lợn
Nhóm nghiên cứu Davis thuộc Đại học California, Mỹ đang thực hiện cấy tế bào gốc của người vào phôi lợn để tạo phôi người - lợn, còn được gọi là chimera. Các phôi lai này sẽ được ghép vào lợn nái trước khi chu kỳ mang thai kết thúc 28 ngày. Sau đó, các mô phát triển sẽ được lấy ra để phân tích. Những con lợn trong thí nghiệm sẽ có bề ngoài và hành vi giống mọi con lợn bình thường, ngoại trừ việc một bộ phận trong cơ thể chúng được tạo thành từ các tế bào người.
Lợn được chọn là “môi trường” thí nghiệm nuôi cấy tạng người dành cho mục đích cấy ghép. Ảnh: YT
Để tạo phôi lai, các nhà khoa học dùng kỹ thuật sửa gene CRISPR loại bỏ các DNA cho phép bào thai hình thành tụy trong phôi lợn mới thụ tinh để tạo khoảng trống gene. Sau đó, tế bào gốc của người (iPS) được tiêm vào phôi. Các tế bào gốc này được lấy từ tế bào của người trưởng thành và có thể phát triển thành bất kỳ mô nào của con người. Nhóm nghiên cứu hy vọng các tế bào gốc của con người trong phôi lợn và bào thai đã được thụ tinh sẽ nuôi dưỡng tụy người.
Việc phát triển phôi người - lợn nằm trong một dự án khắc phục tình trạng khan hiếm tạng ghép. Ông Pablo Ross - trưởng nhóm nghiên cứu - nhấn mạnh: “Hy vọng của chúng tôi là phôi người - lợn sẽ phát triển bình thường, tuyến tụy của con người sẽ được nuôi cấy và phát triển giống như ở trong cơ thể người và tương thích với bệnh nhân cần ghép tạng”.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu tiêm tế bào gốc con người vào phôi lợn chưa tạo ra khoảng trống gene nên các tế bào người đã phải “vật lộn cạnh tranh” với tế bào lợn. Sau đó, bằng việc xóa bỏ một gene quan trọng trong việc hình thành tuyến tụy của lợn, họ hy vọng các tế bào người sẽ thành công trong việc hình thành tuyến tụy (tương tự của người) trong cơ thể lợn.
Vấn đề gây tranh cãi
Dự án trên tuy mở ra hy vọng cung cấp nguồn tạng ghép quý giá nhưng vẫn gây nhiều tranh cãi ở Mỹ, trước hết liên quan đến vấn đề đạo đức.
Ông Peter Stevenson thuộc tổ chức “Compassion in World Farming” (tạm dịch: Lòng trắc ẩn trong trang trại thế giới) nói: “Tôi quan ngại công trình nghiên cứu này sẽ gây ra nỗi thống khổ mới cho động vật”.
Năm 2015, Viện Y tế quốc gia Mỹ đã cấm tài trợ các thí nghiệm như vậy. Họ lo ngại các tế bào gốc của người được tiêm vào phôi lợn có thể di chuyển đến não lợn, khiến chúng trở nên “giống con người hơn”.
Đáp lại, ông Pablo Ross nói: “Chúng tôi cho rằng việc phát triển một bộ não như con người trong phôi lợn là điều rất khó xảy ra, nhưng đây là một trong những điều chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm” .
Ông Walter Low - Giáo sư khoa Phẫu thuật thần kinh, Đại học Minnesota (Mỹ) - bình luận “lợn đại diện cho ý tưởng lồng ấp sinh học” để sản xuất nội tạng người, không chỉ tụy mà còn tim, gan, thận, phổi và giác mạc.
Thậm chí theo ông Low, các tế bào iPS được lấy từ người bệnh cần ghép tạng có thể được tiêm vào phôi lợn để hình thành nội tạng cần thiết - chẳng hạn như gan: “Đó sẽ là một bản sao di truyền chính xác gan của bệnh nhân nhưng là một phiên bản nhỏ hơn, khỏe mạnh hơn và bệnh nhân sẽ không cần sử dụng thuốc ức chế miễn dịch vốn có nhiều tác dụng phụ”.
Nhóm của giáo sư Walter Low cũng đang tạo ra các tế bào thần kinh con người từ phôi chimera để điều trị cho các bệnh nhân parkinson.
Giáo sư Low cũng khẳng định họ đang theo dõi diễn biến trên não lợn: “Chúng tôi sẽ theo dõi những gì xảy ra ở não (bào thai lợn) và nếu phát hiện não (bào thai) phát triển giống con người, chúng tôi sẽ không cho phép nó được sinh ra”.
Hồi sinh ý tưởng ghép cơ quan động vật cho người. Giữa thập kỷ 1980, một số nhà khoa học nêu ý tưởng dùng lợn biến đổi gene làm nguồn tạng ghép. Tuy nhiên, các thí nghiệm đã bị ngăn chặn để tránh lây nhiễm các virus gây bệnh ở động vật. Năm 2015, một nhóm nghiên cứu tại Trường Y Harvard sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene CRISPR để loại bỏ hơn 60 bản sao của một retrovirus lợn. Trưởng nhóm nghiên cứu George Church tuyên bố: “Việc chỉnh sửa gene có thể đảm bảo các cơ quan (lợn) khỏe mạnh, sạch virus, sẵn có và hoàn toàn có thể cấy ghép cho người”. |
Theo: khoahocphattrien.vn