Với 40 ha nuôi ngao, năm nay HTX Loan Hoan dự kiến doanh thu khoảng trên 4 tỷ đồng
4 giờ chiều, khi những chiếc thuyền chở ngao cập bến cũng là lúc công nhân của HTX Loan Hoan bắt đầu với công việc. Người phân loại ngao, người cân, người đóng bì đưa hàng đi nhập. Càng về chiều, thương lái đổ về bến bãi của HTX càng đông. Họ đến lấy hàng để chuẩn bị cho phiên chợ sớm mai.
Vừa phân loại ngao, chị Lê Thị Loan – Giám đốc HTX Loan Hoan phấn khởi: “HTX có 10 ha và thuê thêm 30 ha bãi bồi thuộc thôn Lâm Châu để nuôi ngao. Khi đã làm chủ kỹ thuật và điều kiện tự nhiên thuận lợi thì nuôi ngao rất khỏe và siêu lợi nhuận. Cứ 1 tấn ngao giống sau gần một năm thả nuôi sẽ cho thu hoạch 7 tấn. Mỗi kg bán tại bến với mức giá 15.000 đồng. Với bãi nuôi rộng 40 ha, năm nay chúng tôi dự kiến thu về khoảng 4 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng”.
Hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, sau sự cố môi trường biển, HTX Loan Hoan phải sản xuất cầm chừng một thời gian. Một năm nay, hoạt động nuôi trồng đã trở lại bình thường, HTX tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Ngao chắc và ngon nên được khách hàng ưa chuộng, thu hoạch đến đâu thương lái thu mua đến đó. Con ngao của HTX theo chân thương lái vào tận Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng với số lượng lớn, ổn định, bà con xã viên phấn khởi.
Cứ 1 tấn ngao giống, sau gần 1 năm thả nuôi sẽ cho thu hoạch 7 tấn
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay HTX Loan Hoan phải đối mặt là dịch bệnh trên ngao. Thời tiết ở Hà Tĩnh diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến sự thích nghi và sinh trưởng của ngao. Tháng 2 - 3 âm lịch vừa rồi, sương muối đã khiến lượng lớn ngao chết, gây thiệt hại cho HTX.
Ngoài ra, sự bị động về nguồn giống cũng ảnh hưởng đến quá trình thả nuôi. Hà Tĩnh chưa sản xuất được giống ngao chất lượng, những đơn vị nuôi quy mô lớn khá bị động. Mỗi đợt thả nuôi, HTX Loan Hoan phải đặt hàng trước và nhiều khi nguồn giống không đủ nên mất thời gian thả. Hơn nữa, giống mua từ Thanh Hóa, quãng đường vận chuyển xa đã đẩy chi phí lên cao.
Vì vậy, mong muốn của chị Loan cũng như các hộ nuôi ngao trên địa bàn Hà Tĩnh là việc tỉnh có trung tâm sản xuất được nguồn giống ngao tại chỗ; tổ chức các khóa đào tạo kỹ thuật nuôi ngao gắn với biện pháp phòng trừ, xử lý dịch bệnh để người nuôi chủ động và giảm thiệt hại.
Công nhân bốc hàng lên xe, chuẩn bị đưa đi nhập
Nói về hướng phát triển, Giám đốc HTX Loan Hoan - Lê Thị Loan cho biết, trong khi không thể mở rộng quỹ đất, HTX sẽ chú trọng đầu tư nguồn giống đảm bảo chất lượng và hoàn thiện kỹ thuật nuôi để giảm thiểu thiệt hại và tạo sản phẩm chất lượng. Đồng thời, tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ.
“Để tiện cho việc thả nuôi, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, HTX đã đầu tư 100 triệu đồng xây dựng đường vận chuyển, bến bãi. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ để hoàn thiện hạ tầng, tạo điều kiện cho nuôi trồng, đánh bắt, tiêu thụ dễ dàng hơn" - Giám đốc HTX Loan Hoan trăn trở.
Theo chân thương lái, ngao của HTX có mặt tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh
Đánh giá về mô hình này, ông Lê Đăng Phúc – Trưởng phòng Tuyên truyền Chính sách, Liên minh HTX tỉnh phấn khởi: “HTX Loan Hoan với người đứng đầu là nữ giám đốc trẻ, năng động, táo bạo đã sáng tạo trong huy động vốn, xây dựng thành công chiến lược sản xuất kinh doanh trên cơ sở khai thác tối đa thế mạnh địa phương. Hoạt động hiệu quả, HTX đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động với mức lương khá. Đồng thời, đưa loại hình nuôi ngao trở thành một điểm sáng trong nuôi trồng thủy sản. Đây là một mô hình tiềm năng, đáng để nhân rộng”.
Theo baohatinh.vn