Mô hình chăn nuôi bò vệ tinh và đồng cỏ tại Tổ hợp tác chăn nuôi bò liên kết xã Thạch Hạ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. |
Sau 5 năm triển khai, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã giành được những kết quả khá nổi bật với 52 xã đạt chuẩn (22,6% số xã). Bên cạnh những “cách làm hay, sáng tạo, bài bản, quyết liệt” được trung ương đánh giá cao và nhiều địa phương đến học tập, còn không ít tồn tại, vướng mắc, phát sinh mâu thuẫn tại cơ sở. Những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn này đã được bổ sung vào các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ xây dựng NTM ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Phạm Xuân Cảnh - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Trần Phú cho biết, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng NTM trong giai đoạn mới, trên cơ sở những nội dung đã được bồi dưỡng giai đoạn 2013-2014, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình theo hướng tập trung bồi dưỡng kỹ năng, cập nhật, bổ sung kiến thức mới, lấy người học làm trung tâm, mỗi buổi học đều có báo cáo điển hình từ cơ sở. Đây là một yêu cầu sáng tạo trong công tác bồi dưỡng cán bộ của nhà trường, nhằm hướng học viên rèn luyện kỹ năng hoạt động thực tiễn gắn với nhiệm vụ xây dựng NTM theo từng địa bàn, cơ sở. Năm 2015, trường đã tổ chức đào tạo, tập huấn 34 lớp với 2.262 học viên là những cán bộ quản lý cấp xã.
Ngoài đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị Trần Phú, mỗi sở, ngành có chuyên đề giảng dạy phải chọn 1-2 người làm giảng viên, có kinh nghiệm công tác, kiến thức sâu, rộng, có năng lực truyền đạt và giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên. Trước khi về các địa phương giảng bài, giảng viên phải tìm hiểu, tiếp cận, nắm bắt đầy đủ thông tin về đối tượng tham gia lớp bồi dưỡng; tình hình, kết quả xây dựng NTM của địa phương, đặc biệt là các thông tin liên quan trực tiếp đến chuyên đề mình giảng dạy để chuẩn bị giáo án. Đây là yếu tố quan trọng làm tăng hiệu quả bài giảng, làm sinh động giờ lên lớp và tăng sức thuyết phục đối với học viên.
Ngoài ra, để đảm bảo yêu cầu sát với nội dung các chuyên đề, trong mỗi khóa đào tạo sẽ chọn 1-2 điển hình làm báo cáo viên. Đối tượng báo cáo viên có thể là cán bộ cấp xã, cán bộ thôn thuộc các đơn vị điển hình trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng NTM hoặc chủ trang trại, giám đốc HTX, tổ trưởng tổ hợp tác, giám đốc doanh nghiệp, chủ hộ SXKD tiêu biểu trong xây dựng mô hình theo hướng liên kết gắn với xây dựng NTM của các địa phương.
Ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND xã Thạch Văn (Thạch Hà) cho biết: “Việc dành thời gian 1 ngày để đi nghiên cứu thực tế có ý nghĩa rất quan trọng. Qua nghiên cứu thực tế, chúng tôi được nghe, nhìn, tìm hiểu, thậm chí là thử nghiệm cách làm của người khác để có thể làm theo hoặc đưa ra được ý tưởng mới của riêng mình”.
Cùng với Trường Chính trị Trần Phú, thời gian qua, Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học, Kỹ năng mềm (Đại học Hà Tĩnh) đã đào tạo, tập huấn 9 lớp với khoảng 1.150 học viên là cán bộ lãnh đạo cấp huyện, thị xã, sở, ban, ngành, xã, thôn; chủ các mô hình kinh tế; chủ các hộ dân tiêu biểu. Nội dung đào tạo, tập huấn khá đa dạng: đào tạo điều phối viên, tư vấn viên, giảng viên nguồn kỹ năng mềm, quản trị kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, kỹ năng ứng xử, giá trị sống…
Bà Nguyễn Thị Hương Giang - Phó Giám đốc Trung tâm cho rằng, việc nâng cao ý thức của những người thực hiện chương trình NTM là quan trọng nhưng cách làm phải rõ, vì vậy, phải tuyên truyền ý thức, thúc đẩy tư duy chủ động cho người dân, hướng dẫn cách làm và tôn vinh các điển hình như cán bộ giỏi, hình thức sản xuất tốt, khu dân cư kiểu mẫu, mô hình tốt, cách làm hay… để mọi người học tập.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Phó Chánh Văn phòng NTM tỉnh Trần Huy Oánh khẳng định, công tác đào tạo, tập huấn có sự đổi mới, phù hợp, bám sát thực tiễn; số lượng người tham gia và chất lượng các lớp tập huấn đều tăng lên. Từ đó, nhận thức, ý thức, kiến thức thực hiện chương trình xây dựng NTM của cán bộ, người dân được nâng lên rõ nét. Cán bộ ngày càng sâu sát thực tiễn, ý thức trách nhiệm được nâng lên, phương pháp, cách làm ngày càng đổi mới, hiệu quả; người dân có ý thức cao hơn về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM; tư tưởng trông chờ, ỷ lại cơ bản được khắc phục, kiến thức về sản xuất hàng hóa và quản trị kinh doanh ngày càng chuyển biến tích cực.
Theo baohatinh.vn