Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh VGP.
Chiều 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN): đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập”. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh. Lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng tham dự. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Thị trường KH&CN ở nước ta là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Từ năm 2011 tới nay, bộ máy quản lý nhà nước về thị trường KH&CN được hình thành và từng bước được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương.
Lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Nguồn cung hàng hoá KH&CN ngày một phong phú và đa dạng từ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học và các doanh nghiệp. Theo thống kê từ các sàn giao công nghệ và thiết bị đang hoạt động tại Việt Nam, số lượng nguồn cung công nghệ được thu thập và phổ biến hiện nay khoảng 77.000 bản ghi.
Công tác xúc tiến thị trường KH&CN được duy trì và đẩy mạnh. Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp ngày càng cải thiện. Việc giao dịch mua bán công nghệ hiện nay chủ yếu được diễn ra dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư.
Hội nghị kết nối trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Công tác phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN bước đầu đạt những kết quả nhất định về số lượng và chất lượng. Hiện tại, cả nước có trên 800 tổ chức trung gian thị trường KH&CN các loại đã được hình thành.
Thông qua mạng lưới các tổ chức trung gian, nhất là các sàn giao dịch công nghệ, các địa phương đã tăng cường kết nối, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về chuyên gia, các công nghệ mới để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước đã tập trung phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường KH&CN ở Việt Nam; làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường KH&CN; thảo luận về tổ chức trung gian, kết nối thúc đẩy giao dịch, lưu thông hàng hóa KH&CN, về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN; đề xuất giải pháp để tăng cường vai trò của Nhà nước trong định hướng, điều tiết và hỗ trợ hiệu quả cho thị trường KH&CN phát triển trong thời gian tới...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phát triển mạnh mẽ thị KH&CN là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh VGP.
Thủ tưởng Chính phủ khẳng định, phát triển thị trường KH&CN phải lấy nghiên cứu khoa học là nền tảng, nhà khoa học làm động lực và doanh nghiệp làm trung tâm, phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; huy động tối đa nguồn lực từ tư nhân và hợp tác quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Phát triển thị trường KH&CN cần chính sách đồng bộ, phù hợp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại và năng lực, uy tín, thương hiệu của các tổ chức trung gian; cần đặt trong quan hệ biện chứng, liên thông và đồng bộ với thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động, tài chính và các thị trường khác; gắn kết thị trường trong nước và khu vực, toàn cầu; phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường, tuân thủ quy luật cạnh tranh.
Thủ tướng đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như: thúc đẩy phát triển nguồn cầu, nguồn cung, các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; nâng cao nhận thức về thị trường KH&CN; rà soát để tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế chính sách; tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế…
Các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng và lồng ghép kế hoạch phát triển thị trường KH&CN vào kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hàng năm.
Tại Hà Tĩnh, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động tạo hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN. Các chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao trình độ năng lực KH&CN. Công tác hỗ trợ, phát triển tổ chức trung gian; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới chuyển giao công nghệ được quan tâm và triển khai hàng năm. Trong giai đoạn 2015 - 2022, tỉnh đã hỗ trợ cho 12 doanh nghiệp, HTX thực hiện đổi mới, chuyển giao công nghệ, thành lập doanh nghiệp KHCN và xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu. Đến nay, tỉnh có 6 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN với 12 sản phẩm KH&CN hình thành từ kết quả nghiên cứu chuyển giao kết quả KH&CN. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KH&CN tương đối tốt. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đã triển khai thực hiện 10 dự án cấp bộ và115 đề tài, dự án cấp tỉnh thuộc các lĩnh vực. Trên 90% đề tài, dự án sau nghiệm thu đều được ứng dụng ngay vào trong thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. |
Theo Ngọc Loan/baohatinh.vn