Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TXVN
Sáng 30/6, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) giai đoạn 2012 - 2022. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 81.000 đại biểu trong toàn quốc.
Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng chủ trì điểm cầu tỉnh Hà Tĩnh tại Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh.
Điểm cầu Hà Tĩnh do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng chủ trì.
Cùng dự hội nghị có Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các địa phương, đơn vị.
Hội nghị được kết nối đến 135 điểm cầu với sự tham dự của gần 3.500 đại biểu trong toàn tỉnh.
Ông Phan Đình Trạc - Trưởng ban Nội chính Trung ương trình bày báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Khởi tố, điều tra gần 2.700 vụ, hơn 5.800 bị can về tội tham nhũng
Báo cáo tổng kết công tác PCTN,TC, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khẳng định: Trong chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012), công tác PCTN,TC được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Qua đó góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy...
Hội nghị Trung ương 5 khoá XI đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.
Thực hiện chủ trương này, ngày 01/02/2013, Ban Chỉ đạo đã chính thức được thành lập và bắt đầu triển khai các hoạt động, với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan có liên quan của Đảng và Nhà nước. Tính đến ngày 27/6/2022, đã có 34 tỉnh, thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh…
...tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Công báo - Tn học tỉnh.
Từ hội nghị Trung ương 5 khóa XI đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của nhà nước được tăng cường. Trong 10 năm qua, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng.
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân chủ trì điểm cầu Tỉnh ủy.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỉ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.500 vụ án, gần 33.900 bị can, trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra gần 2.700 vụ, hơn 5.800 bị can. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ.
Đặc biệt thời gian gần đây đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...
Cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.
Cùng với đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm hơn, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”. Công tác cán bộ được chú trọng; cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp PCTN,TC đạt kết quả tích cực.
Mặc dù đạt nhiều kết quả, tuy nhiên, thời gian qua, công tác PCTN,TC vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực chưa được quan tâm đúng mức; cơ chế chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn bất cập; việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; một số nơi, người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm...
Toàn cảnh điểm cầu Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh.
Hội nghị đã được nghe tham luận của các đơn vị, địa phương chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn sau 10 năm thực hiện công tác PCTN, TC; đồng thời thảo luận các giải pháp gắn với chức năng, vai trò, nhiệm vụ của từng đơn vị trong triển khai công tác PCTN, TC thời gian tới.
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực trước hết từ người đứng đầu
Kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm công tác PCTN, TC. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Điều quan trọng là từ tổng kết rút ra cái gì, cải tiến cái gì để tiếp tục cuộc đấu tranh PCTN, TC không ngừng, không nghỉ, góp phần làm sạch tổ chức Đảng, nhà nước và hệ thống chính trị.
Phân tích kết quả công tác PCTN, TC, Tổng Bí thư nhận định, từ phát huy kết quả của giai đoạn trước, kết quả trong 10 năm gần đây và việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận hội nghị.
Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh. Có thể thấy, chưa bao giờ cuộc đấu tranh được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và có hiệu quả như những năm qua.
Để đẩy mạnh công tác PCTN, TC, Tổng Bí thư đề nghị, thời gian tới, cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên phải coi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, trong đó phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài.
Điểm cầu thị xã Kỳ Anh.
Cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa tiết kiệm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị.
Cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ vấn đề cốt lõi là Đảng phải luôn luôn dựa vào dân, lắng nghe Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì Nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm như lời Bác Hồ đã dạy.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”.
Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”, ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng chính sách, pháp luật. Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí và bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Điểm cầu huyện Hương Sơn.
Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm niệm vụ trong giai đoạn mới.
Cùng với “nhốt” quyền lực trong “lồng” thể chế, việc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị tha hoá” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng; từ các ban chỉ đạo phòng chống, tham nhũng cấp tỉnh, các cơ quan nội chính... Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng thật sự có bản lĩnh vững vàng, thật sự là thanh bảo kiếm sắc bén. PCTN, TC phải đảm bảo phù hợp truyền thống văn hóa dân tộc, xây dựng văn hóa công vụ của các cơ quan đơn vị. Công tác PCTN, TC cần xác định rõ trọng tâm, đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả.
Phải tăng cường phối hợp, chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Chú trọng thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang. Đồng thời tích cực đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, gây hậu quả xấu.
Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và Nhân dân trong PCTN,TC. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTN; triển khai có hiệu quả hoạt động PCTN, TC ra khu vực ngoài nhà nước.
Kết thúc bài phát biểu, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng, để góp phần làm chuyển biến tình hình, đẩy mạnh công tác PCTN, TC”.
Tổng Bí thư tin tưởng, với sự quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác PCTN, TC sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn. Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.
Theo BHT
Link gốc: https://baohatinh.vn/xay-dung-dang/phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-la-mot-trong-nhung-nhiem-vu-dac-biet-quan-trong-cua-cong-tac-xay-dung-chinh-don-dang/2