02:52 | 20-04-2023

Probiotics vs kháng sinh: Cuộc chiến vì sức khỏe động vật

Bổ sung probiotics vào chế độ ăn của heo từ khi cai sữa có thể làm giảm mức độ và thời gian tiêu chảy. Ảnh: IST

Xu hướng giảm kháng sinh

Nhiều nghiên cứu ở giai đoạn cách đây 20 – 30 năm cho thấy, sử dụng kháng sinh tăng trưởng trong chăn nuôi có tác dụng giúp vật nuôi tăng thêm khoảng 10 – 15% về mặt trọng lượng, và tiết kiệm được khoảng 15 – 16% khối lượng thức ăn. Ngày nay, với tình hình vệ sinh thú y và an toàn sinh học trong chăn nuôi đã tốt lên thì tác dụng của kháng sinh kích thích tăng trưởng cũng giảm đi, chỉ còn giúp tăng trọng thêm 7–10%, và tiết kiệm được khoảng 10% thức ăn.

Trong khi đó, mặt hại của việc lạm dụng kháng sinh đã được công nhận toàn cầu. Chẳng hạn, các hãng thức ăn nhanh như McDonald’s, Wendy và Subway tuyên bố rằng họ sẽ chỉ lấy thịt gà từ các trang trại không sử dụng kháng sinh thúc đẩy tăng trưởng, do lo ngại việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi sẽ khiến cho tình trạng kháng kháng sinh ở cộng đồng ngày càng trầm trọng hơn.

Các nhà đầu tư cũng dần quan tâm tới vấn đề này. Năm 2021, BMO Global Asset Management, công ty quản lý khối tài sản hơn 270 tỷ USD, đã gây áp lực cho 38 doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của họ để đưa vấn đề loại bỏ kháng sinh vào trong quy trình sản xuất, trong số đó có thể kể đến hãng thực phẩm lớn như Tyson Foods, Hormel Foods, BRF SA của Brazil và hãng sữa khổng lồ ở Trung Quốc Yili Group.

Giảm sử dụng kháng sinh có thể đem lại nhiều cơ hội mới cho ngành chăn nuôi. Các hiệp hội gia cầm ở Bangladesh cho biết, sau nhiều năm nỗ lực giảm kháng sinh trong khẩu phần ăn của vật nuôi, giờ đây họ đã nhận được đơn hàng từ các khách sạn năm sao và chuỗi thực phẩm quốc tế vốn trước kia chỉ nhập khẩu thịt lợn và thịt gà từ nước ngoài. Một số nhóm tiêu dùng thành thị cũng sẵn sàng chi trả cao hơn cho những sản phẩm an toàn này.

Ngành chăn nuôi Việt Nam cũng có thể gặt hái được những cơ hội tương tự nếu tìm được biện pháp loại bỏ kháng sinh thích hợp.

Chế độ ăn thay thế kháng sinh

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã phác thảo nhiều lựa chọn thay thế cho việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, bao gồm: các chiến lược an toàn sinh học, tiêm phòng vaccine, sử dụng thực khuẩn kiểm soát nhiễm trùng, sử dụng các chất thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi như men vi sinh/lợi khuẩn (probiotics), chất xơ cho quá trình lên men (prebiotics), thảo dược, tinh dầu, globulin miễn dịch lòng đỏ trứng gà,...

Probiotics là vi khuẩn sống giúp duy trì sự cân bằng tự nhiên của vi sinh vật trong ruột. Chúng có thể giúp cải thiện tiêu hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa vi khuẩn có hại tiếp quản. Nếu sử dụng men vi sinh trong thức ăn chăn nuôi, nông dân có thể giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh và cải thiện sức khỏe vật nuôi theo cách tự nhiên hơn.

Sử dụng chế phẩm probiotics chứa nha bào của vi khuẩn Bacillus của công ty BioSpring (liều sử dụng 300g/tấn thức ăn), các nhà nghiên cứu tại Khoa Chăn nuôi - Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận thấy, tỷ lệ heo cai sữa bị tiêu chảy chỉ ở mức 12%, trong khi heo đối chứng là gần 29%. Heo cai sữa ăn khẩu phẩn bổ sung probiotics (liều sử dụng 500g/tấn thức ăn) cũng giảm tỷ lệ viêm phổi một nửa so với nhóm đối chứng, và có tốc độ tăng khối lượng hàng ngày cao hơn 4,7% so với nhóm đối chứng (591g so với 564g/ngày).

TS Phạm Kim Đăng, người dẫn đầu nghiên cứu, lý giải rằng nguyên nhân là do số lượng vi khuẩn có hại như E.coli, Salmonella trong đường ruột bị giảm xuống vì phải loại trừ cạnh tranh, trong khi các vi khuẩn có lợi như Lactobacillus được tạo điều kiện sinh sôi nảy nở. Điều này giúp vật nuôi kích hoạt miễn dịch, đồng thời cải thiện khả năng chuyển hóa và hấp thụ dinh dưỡng.

Để đặt trong một viễn cảnh kinh tế khác, thử nghiệm do Viện chăn nuôi quốc tế (ILRI) dẫn dắt đã xem xét ba chuồng nuôi lợn thịt sử dụng thức ăn thông thường, thức ăn trộn kháng sinh và thức ăn trộn chế phẩm sinh học probiotic của BioSpring. Kết quả cho thấy, lợn sử dụng probiotics trong thức ăn chăn nuôi có trọng lượng không kém so với lợn sử dụng kháng sinh, nhưng lại có lớp mỡ mỏng hơn.

“Chúng tôi đo đạc thấy độ dày mỡ lưng của nhóm dùng chế phẩm sinh học có xu hướng mỏng hơn đáng kể so với hai nhóm còn lại. Đây là tín hiệu tích cực chỉ ra rằng sử dụng probiotics trong chăn nuôi có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường, vì người tiêu dùng thích thịt nạc hơn”, TS. Đặng Xuân Sinh, tác giả chính trong nghiên cứu của ILRI, nhận xét.

Khi phân tích chi phí và lợi nhuận của thử nghiệm, họ cũng chứng minh được lợi nhuận trên mỗi đầu heo dùng thức ăn bổ sung probiotics tương đương với nhóm dùng thức ăn bổ sung kháng sinh (ở mức cho phép theo quy định) nhưng cao hơn nhóm đối chứng 8,5-10,5%. “Nghĩa là về mặt chi phí, người nông dân có thể cân nhắc việc nuôi lợn thịt không sử dụng kháng sinh”, TS. Sinh nói thêm.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với các nhà nghiên cứu là xem xét tình trạng kháng kháng sinh. Nhóm ILRI đã xét nhiệm E.coli phân lập từ mẫu phân, mẫu lau sàn chuồng, mẫu thận và thịt lợn của cả ba nhóm để xác định tính đối kháng của vi khuẩn với 18 loại thuốc kháng sinh thường dùng.

Điều đáng báo động là cả ba nhóm lợn nuôi đều có tỷ lệ kháng kháng sinh cao [80-100%] với những loại kháng sinh quen thuộc như Ampicillin, Erythromycin, Tylosin, Penicillin – cho thấy tình trạng kháng kháng sinh trong chăn nuôi đã lên đến mức nguy hại và cực kỳ khó khắc phục.

Tuy nhiên, tỷ lệ kháng Kanamycin, Cephalothin và Neomycin ở nhóm đối chứng và nhóm trộn probiotics thấp hơn đáng kể so với nhóm dùng kháng sinh. Điều này có nghĩa là nếu sớm giảm kháng sinh bằng những chế độ ăn thay thế (ví dụ: probiotics) thì vẫn còn khả năng cứu vớt được những loại thuốc đó.

Rào cản phải vượt qua

Các nhà nghiên cứu phải thuyết phục một ngành nông nghiệp đang bị tổn thương do lạm dụng kháng sinh rằng có một giải pháp thay thế bền vững hơn. Các hộ nông dân đã chấp nhận khái niệm ‘chế phẩm sinh học’ nhiều hơn khi họ thấy các thử nghiệm hoạt động tốt, nhưng họ vẫn vấp phải thói quen cũ.

TS. Phạm Đức Phúc tại Trường ĐH Y tế công cộng, người đã tổ chức rất nhiều hội thảo tập huấn cho các nông hộ và trang trại, chia sẻ rằng trước tiên họ phải cố gắng thuyết phục nông dân rằng chế phẩm sinh học không phải là một loại thuốc ‘chữa bệnh tức thì’, mà là một cách để hỗ trợ quản lý toàn bộ hệ vi sinh vật trong chuồng trại và đường ruột của gia súc, gia cầm. Nhiều người không hiểu được rằng vi khuẩn đóng vai trò chính trong việc điều hòa các mối quan hệ giữa mật độ chăn nuôi, tỷ lệ cho ăn hàng ngày và tác động của chúng đối với tỷ lệ bệnh tật, tốc độ tăng trưởng của vật nuôi. Mặc dù kháng sinh có thể đem lại kết quả nhanh hơn, nhưng nó cũng để lại hậu quả sâu sắc hơn.

Hiệu quả chi phí cũng là một điều cần xem xét. Nhiều trường hợp nông dân sử dụng probiotics cho hiệu quả không rõ ràng khiến họ nhanh chóng nản lòng. Trên thực tế, tuy cùng nằm dưới tên chung là probiotics nhưng có rất nhiều chế phẩm probiotics khác nhau, phân biệt bởi các chi (genus), loài (species) và dòng (strain) vi khuẩn. Chúng không chỉ khác về giá mà còn rất khác về tác dụng và cách dùng. Hai chế phẩm cùng loài nhưng khác dòng cũng đã có tác dụng khác nhau.

Một chế phẩm probiotics có hiệu quả ở một trại có thể hoàn toàn không hiệu quả ở một trại khác. Nguyên nhân là do có sự khác nhau về hệ sinh thái vi sinh. Do vậy, những người chăn nuôi cần phải thử nghiệm cẩn thận trước khi dùng đại trà.

Thêm nữa, không phải lúc nào sản phẩm probiotics chất lượng với chi phí phải chăng cũng có sẵn trên thị trường, vì việc phân lập tuyển chọn chủng probiotics bản địa, lên men sinh khối tạo sản phẩm thương mại đòi hỏi đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ kỹ thuật viên trình độ cao mà tại Việt Nam chỉ một vài công ty có khả năng thực hiện được.

Và cuối cùng, cần có những can thiệp mạnh mẽ hơn vào quá trình loại bỏ kháng sinh trong chăn nuôi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự định sẽ loại bỏ việc sử dụng kháng sinh với mục đích phòng bệnh trong thức ăn chăn nuôi vào năm 2020, nhưng điều này đã bị đẩy lùi xuống năm 2026. Đến tận bây giờ, vẫn chưa có một hiệp hội, ngành nghề hoặc thương hiệu thực phẩm nào đưa ra cam kết rõ ràng và lộ trình cắt giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

Các sản phẩm thay thế kháng sinh sẽ không có chỗ đứng nếu các quy định về sản xuất và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi không bị thắt chặt. Nhóm nghiên cứu của ILRI tiết lộ, họ đã rất vất vả để tìm được một hãng cung cấp thức ăn chăn nuôi không trộn sẵn kháng sinh.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận