Nếu như việc chuyển giao công nghệ là một hành động chủ động, dựa trên nguyên tắc tự nguyện, thường có hợp đồng từ hai phía thì tác động lan tỏa công nghệ của dòng vốn FDI được TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế của Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) định nghĩa là "việc tiếp nhận công nghệ mà không mất một đồng nào”. Tác động lan tỏa của FDI được các nhà nghiên cứu đo lường bằng một chỉ số đáng tin cậy là
năng suất
.
Tại hội thảo "Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ" ngày 7/9, ông phân tích bốn lý do khiến người ta kỳ vọng vào tác động lan tỏa công nghệ của FDI.
Thứ nhất, chúng ta mong rằng các doanh nghiệp nội địa có thể quan sát và học hỏi - thậm chí là sao chép - các công nghệ của doanh nghiệp FDI, từ đó làm tăng năng suất cho doanh nghiệp.
Thứ hai, thông qua chuyển dịch lao động - những người từng làm việc cho các doanh nghiệp FDI khi chuyển sang làm cho các doanh nghiệp Việt hoặc mở công ty riêng có thể mang theo kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm học được trong quá trình làm việc với đối tác nước ngoài để cải thiện hoạt động của các doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba là sức ép cạnh tranh, tức sự cạnh tranh về thị trường với các doanh nghiệp FDI có mục tiêu thâm nhập thị trường nội địa, hoặc cạnh tranh về nguồn lực đầu vào với các doanh nghiệp FDI có định hướng xuất khẩu sẽ khiến doanh nghiệp trong nước phải thay đổi trình độ khoa học, công nghệ để có được năng suất cao hơn.
Và cuối cùng là liên kết, thông qua việc trở thành đối tác trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi và cải tiến năng lực của mình.
Tuy nhiên, các bằng chứng thực tế cho thấy những tác động lan tỏa này rất hỗn hợp.
“Những nghiên cứu định lượng của chúng tôi chỉ ra rằng, đối với doanh nghiệp cùng ngành thì những tác động lan tỏa công nghệ của FDI lúc thì tiêu cực lúc thì tích cực. Đối với doanh nghiệp thượng nguồn [cung cấp đầu vào] thì nhìn chung sẽ có xu hướng tác động tích cực. Nhưng với các doanh nghiệp hạ nguồn [làm tăng giá trị sản phẩm thông qua sản xuất, tùy chỉnh, phân phối v.v] thì tác động lại thường trở về trạng thái không rõ ràng, thậm chí là tiêu cực”, TS. Trần Toàn Thắng chia sẻ.
Ông lý giải điều này ở chỗ, đôi khi thực tế không ủng hộ các kỳ vọng của chúng ta với FDI. Chẳng hạn như sự cạnh tranh quá mạnh của FDI có thể làm triệt tiêu các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp Việt, hoặc sức hút lớn từ mức lương và các ưu đãi hấp dẫn của khu vực FDI đã khiến khu vực tư nhân của Việt Nam bị chảy máu chất xám và từ đó dẫn đến giảm năng suất của doanh nghiệp.
Việc hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt cũng không thực sự dễ dàng như lý thuyết. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ (98%), do vậy họ bị hạn chế về khả năng đầu tư, tiếp nhận công nghệ, ứng dụng, phát triển và đổi mới công nghệ.
“Nếu như đặt một thợ cơ khí cạnh một kỹ sư điện tử, tôi không kỳ vọng rằng họ học được gì ở nhau quá nhiều. Năng lực hấp thụ thấp và khoảng cách công nghệ quá cao sẽ tạo ra rào cản cho việc lan tỏa," TS. Trần Toàn Thắng nhận xét.
"Thêm vào đó, đặc tính của công nghệ cũng ảnh hưởng đến việc lan tỏa. Chẳng hạn, những công nghệ 4.0 mới hiện nay khiến cho các linh kiện và bản chất cốt lõi của công nghệ ngày càng trở nên nhỏ bé và tinh vi hơn. Khi đó, một người trong một khâu tí ti của một dây chuyền hiện đại cũng khó có thể học hỏi được gì nhiều từ cả hệ thống”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng học hỏi được những khía cạnh phi công nghệ, chẳng hạn như cách thức tổ chức và quản lý sản xuất, hiệu quả thị trường của các nguồn lực. Những khía cạnh này có thể góp phần làm tăng năng suất của doanh nghiệp.
Khi phỏng vấn định tính một số doanh nghiệp FDI, đại diện Viện chiến lược phát triển cho biết các doanh nghiệp nước ngoài vẫn vẽ ra một bức tranh trùng khớp với những gì các nhà quản lý công nghệ ở Việt Nam đã nhận định: Dường như các doanh nghiệp FDI công nghệ cao vẫn có xu hướng tận dụng ưu thế lao động giá rẻ từ Việt Nam, và không có ý định tạo ra hiệu quả lan tỏa công nghệ.
Họ không sẵn sàng chuyển dịch công nghệ ngay lập tức mà muốn chuyển dịch dần - tức ban đầu làm một số khâu ở Việt Nam, sau đó nhập lại nước mẹ để triển khai những công đoạn cao hơn rồi mới nhập lại về Việt Nam để hoàn thiện. Sau khoảng 3-4 năm đầu tư như thế, doanh nghiệp FDI mới sẵng sàng đem thêm công nghệ tới.
Nhờ có các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, các doanh nghiệp FDI nhận thấy việc nhập khẩu linh kiện và nguyên liệu đầu vào hiệu quả hơn sản xuất trong nước. Do vậy, không nhiều doanh nghiệp bỏ công sức tìm kiếm và xây dựng mối quan hệ với các nhà cung ứng nội địa.
Theo TS. Trần Toàn Thắng, mặc dù chúng ta có thể thấy ở đâu đó những ví dụ điển hình về tác động tích cực của vốn FDI - chẳng hạn như Samsung đã làm tăng năng suất của 33 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của mình - nhưng trên bình diện chung thì điều này không có nhiều ý nghĩa thống kê, tức các tác động của FDI nói chung đến việc lan tỏa công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam không thực sự rõ ràng.
Nguồn: khoahocphattrien.vn