02:44 | 18-06-2020

Thuyết minh dự án: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Mật ong Hương Sơn".

Mật ong Cường Nga - Hương Sơn - Hà Tĩnh

Hương Sơn là huyện trung du, miền núi nằm về phía tây bắc của tỉnh Hà Tĩnh, là vùng đất với tiềm năng phát triển rừng rất lớn với hơn 84,617ha. Tận dụng nguồn lợi phong phú từ rừng, từ lâu người dân Hương Sơn đã phát triển nghề nuôi ong. Kế hoạch phát triển đàn ong năm  2018 của huyện đạt 7.444 đàn, sản lượng dự kiến đạt 52,1 tấn. Mật ong được đánh giá tốt về chất lượng và màu sắc, do đặc thù về thời tiết khí hậu, giống ong, quy trình nuôi thả tự nhiên, nguồn hoa tự nhiên đặc trưng của Hương Sơn...Tuy nhiên, một thách thức mà mật ong Hương Sơn phải đối mặt đó là việc chưa có một thương hiệu chính thức được Nhà nước bảo hộ. Chính vì vậy, nhiều gian thương đã lợi dụng danh tiếng và uy tín của sản phẩm mật ong Hương Sơn để thu lợi bất chính. Vấn đề cần nhanh chóng giải quyết đó là sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để quản lý và khai thác hiệu quả sản phẩm mang NHCN nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, hộ kinh doanh và hơn hết là bảo vệ danh tiếng, uy tín chất lượng của mật ong Hương Sơn.

Chiều ngày 17/5/2020, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức họp Hội đồng xét duyệt thuyết minh dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Mật ong Hương Sơn" cho sản phẩm mật ong tự nhiên của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, do Trung tâm nghiên cứu công nghệ và sở hữu trí tuệ Ciptek đề xuất chủ trì thực hiện.

Dự án thực hiện với mục tiêu: Phát triển hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm mật ong của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh một cách bền vững thông qua việc xây dựng, quản lý và phát triển NHCN "mật ong Hương Hương"; góp phần duy trì danh tiếng sản phẩm, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống người dân sản xuất và kinh doanh sản phẩm mật ong của địa phương.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao thuyết minh đề xuất, việc triển khai dự án là hết sức cần thiết đối với huyện Hương Sơn. Tuy nhiên, Hội đồng đề nghị đơn vị chủ trì cần chỉnh sửa, bổ sung sự cần thiết, tính cấp  bách, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của dự án; đánh giá tính hiệu quả NHCN mật ong; bổ sung kỹ thuật khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm mật ong; thiết kế kiểu dáng công nghiệp; xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm... Kết quả, Hội đồng đồng ý cho triển khai sau khi đơn vị chủ trì chỉnh sửa, bổ sung theo kết luận của Chủ tịch Hội đồng.

PC

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận