Chủ trì hội nghị |
Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP Hà Tĩnh, trong năm 2015, toàn tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 13.100 lượt cơ sở, phát hiện 3.251 lượt cơ sở vi phạm, xử lý 1.968 cơ sở với số tiền phạt hơn 1,4 tỷ đồng. Số cơ sở đạt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là 9.849 lượt cơ sở chiếm 75,2%.
Ngoài ra, Công an tỉnh trực tiếp phát hiện và xử lý 18 trường hợp với số tiền gần 66 triệu đồng; tiêu hủy nhiều sản phẩm vi phạm có giá trị hàng trăm triệu đồng gồm các loại giò, ruốc bông, nội tạng, trứng gia cầm…
Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu: Hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 với chủ đề “Tiếp tục sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” nhằm mục đích cuối cùng là thực phẩm được sản xuất, chế biến, lưu thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn cho người dân sử dụng và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng. |
Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính tại một số huyện và ở tuyến cơ sở chưa mạnh mẽ, chưa đủ sức răn đe; việc kiểm soát, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm còn hạn chế; công tác tuyên truyền thiếu đột phá, sáng tạo; các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATTP không đủ điều kiện còn chiếm tỷ lệ cao…
Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Lê Đức Nhân: Sở NN&PTNT đã cho tiến hành kiểm tra và lấy 10 mẫu măng tại chợ Hà Tĩnh, siêu thị để kiểm tra chất vàng ô. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục lấy mẫu rau quả, dò chả, dưa muối để kiểm tra chất cấm sử dụng, đặc biệt sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ các loại rau, củ, quả nhập từ các chợ đầu mối phía Bắc về |
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích các nguyên nhân; trao đổi ý kiến về công tác quản lý cũng như giải pháp tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong đảm bảo VSATTP ở từng ngành, đơn vị.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Đình Lộc: Sở sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin trong quá trình quản lý nhà nước về ATTP. Trước hết triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ mất an toàn từ khâu sản xuất, nhập khẩu; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy định. |
Đa số các ý kiến đều thống nhất cần nâng cao hiệu quả các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành; hình thành và nhân rộng một số điểm sản xuất, cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định VSATTP; tiếp tục tăng cường công tác thông tin đại chúng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú…
Các đại biểu cũng đặc biệt nhấn mạnh hoạt động phát hiện, xử lý vi phạm trong sử dụng nhóm 3 chất: chất tạo nạc, chất vàng ô và chất tẩy trắng.
Với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh rau, thịt an toàn”, ngay sau hội nghị, các đại biểu đơn vị liên quan cùng các ĐVTN tổ chức diễu hành qua các tuyến phố chính trên địa bàn thành phố tuyên truyền Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2016. |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, sau khi phân tích thêm về thực trạng ATVSTP trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh - Trưởng ban chỉ đạo liên ngành VSATTP đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, Đài PT-TH tỉnh, Báo Hà Tĩnh và các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn cùng phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền hai chiều, vừa khuyến khích điển hình, đồng thời vào cuộc phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm ATVSTP;
Tuyên truyền có chiều sâu đến tận các thôn, xóm, tổ dân phố, từng hộ dân; nâng cao nhận thức người dân, người sản xuất về đạo đức trong thương mại; tiếp tục chính sách khuyến khích hỗ trợ hình thành các vùng nông sản sạch, thực phẩm an toàn liên kết theo chuỗi giá trị; nghiên cứu, đầu tư hiệu quả trang thiết bị kiểm tra nhanh để phục vụ hoạt động chuyên môn; thông tin khách quan, kịp thời đầy đủ tình hình chất lượng ATTP đến người dân…
Về công tác thanh, kiểm tra, phải đi từ cơ sở, thực hiện thường xuyên, liên tục một cách quyết liệt, nghiêm minh; Sở Y tế đóng vai trò chủ chốt tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh; hàng tháng có báo cáo kết quả cụ thể, kịp thời...
Theo baohatinh.vn