01:01 | 08-09-2020

Tìm giải pháp nhân rộng xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn

Chiều nay (7/9), Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Trung ương phối hợp với Tổng cục Môi trường và Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh tổ chức hội thảo về giải pháp nhân rộng các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn.

Chánh Văn phòng NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng NTM Hà Tĩnh Trần Huy Oánh và Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường Trần Đức Hạ đồng chủ trì hội thảo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cùng dự.

Phát biểu tại hội nghị, Chánh Văn phòng NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện, chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện.

Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới; kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao...

Chánh Văn phòng NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến phát biểu tại hội nghị

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, khi chất lượng đời sống của người dân được nâng lên cũng là lúc lượng rác thải, nước thải sinh hoạt trong khu dân cư thải ra môi trường ngày càng lớn. Trong bối cảnh cả nước đang tập trung thực hiện xây dựng NTM, đô thị văn minh thì công tác bảo vệ môi trường càng được quan tâm, chú trọng.

Các đại biểu tham dự hội nghị về xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn.

Hiện nay, mỗi ngày có hàng triệu m³ nước thải chưa được xử lý, gây ảnh hưởng môi trường, sức khoẻ của người dân. Điều này đặt ra bài toán về việc xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn.

Chánh Văn phòng NTM Trung ương mong muốn tại hội thảo lần này, các đại biểu tham dự làm rõ 3 vấn đề: giải pháp nhân rộng các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn giai đoạn hiện nay; cơ chế hỗ trợ, chính sách để thực hiện mô hình; trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp chính quyền.

Tính đến nay, Hà Tĩnh có khoảng 3.000 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình vận hành hiệu quả. Việc triển khai xây dựng mô hình xử lý nước thải sinh hoạt ở các vùng nông thôn Hà Tĩnh đã làm thay đổi nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ môi trường. Hiện tỉnh đang tiếp tục nhân rộng trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn

Đến tháng 5/2019, dân số khu vực nông thôn Việt Nam có hơn 62,3 triệu người. Trung bình lượng nước thải sinh hoạt phát sinh ước khoảng 100 lít/người/ngày đêm. Tổng khối lượng nước thải khu vực nông thôn ước khoảng 6,2 triệu m³/ngày đêm, chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết không được xử lý, phân tán diện rộng nên khó thu gom.

Dự báo tới năm 2020, khối lượng nước thải ở nông thôn nước ta sẽ tăng hơn năm 2019 là 1,2 triệu m³/ngày đêm.

Hệ thống xử lý nước thải của gia đình ông Dương Danh Huy ở thôn Đồng Bàu, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

Theo khảo sát của Bộ TN&MT, năng lực xử lý nước thải trên toàn quốc chỉ đạt 14,5%, điều này có nghĩa là hơn 85% lượng nước thải sinh hoạt còn lại được xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý hoặc được xử lý sơ bộ. Số liệu mới nhất cho thấy, năm 2020, lượng nước thải chưa xử lý ở khu vực nông thôn là 90%.

Hội thảo đã nghe các chuyên gia, nhà khoa học trình bày các tham luận, giải pháp về xử lý nước thải sinh hoạt, môi trường nông thôn.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường): Cần nghiên cứu thí điểm và áp dụng nhân rộng các mô hình công nghệ về xử lý nước thải sinh hoạt theo các quy mô (hộ gia đình, khu/cụm dân cư) và áp dụng các công nghệ phù hợp đảm bảo sau khi xử lý nước đạt chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Phó Giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ Sở KH&CN Hà Tĩnh Dương Thị Ngân: Kết quả triển khai các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nông thôn ở Hà Tĩnh mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, các ban, ngành Trung ương cần có bộ quy chuẩn cụ thể cho chất lượng nước thải sinh hoạt đầu ra.

Bà Đỗ Phương Chi - Giám đốc Trung tâm phân tích và chuyển giao công nghệ môi trường Viện Môi trường nông nghiệp: Việc xử lý nước thải sinh hoạt hiện nay đang là vấn đề vô cùng nhức nhối của toàn xã hội. Mặc dù cũng đã có một số nghiên cứu về mô hình xử lý nước thải quy mô hộ gia đình, quy mô cụm dân cư nhưng chưa được nhân rộng.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Chánh Văn phòng NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến đánh giá, ý kiến tham luận của đại biểu đã đề cập khá sâu đến vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn, trong đó chú trọng tới việc cần thực hiện đồng bộ các biện pháp từ tổ chức quản lý, chính sách và giải pháp công nghệ phù hợp.

Để giải “bài toán” nhân rộng việc xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn không phải là điều dễ dàng, mà cần phải có định hướng lâu dài.

Chánh Văn phòng NTM Trung ương cũng ghi nhận sự chủ động, tính sáng tạo của các cấp chính quyền Hà Tĩnh trong việc xử lý nước thải sinh hoạt ở nông thôn.

“Tôi đánh giá cao sáng kiến xây dựng mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn của Hà Tĩnh. Đây là mô hình cần được nhân rộng”, ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.

Theo baohatinh.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận