Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng trả lời phỏng vấn VnExpress về đề án chế độ thu nhập cho chức danh lãnh đạo, người nghiên cứu khoa học do cơ quan này soạn thảo, dự kiến trình HĐND thành phố thông qua trong tháng 9. Theo đề án, mức chi thù lao với chức danh người đứng đầu tổ chức khoa học công nghệ công lập từ 60 - 120 triệu đồng, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu 60 triệu đồng mỗi tháng.
- Vì sao Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM đề xuất mức lương tối đa 120 triệu đồng mỗi tháng với chức danh lãnh đạo trung tâm nghiên cứu khoa học, thưa ông?
- Mục tiêu đề án này không phải chỉ tập trung việc tăng thu nhập cho người làm khoa học mà hướng đến tầm nhìn cao hơn là xây dựng một số đơn vị nghiên cứu hàng đầu ở TP HCM, được quốc tế công nhận. Lý do, thành phố hiện có số lượng lớn đơn vị nghiên cứu, song để có một trung tâm tầm cỡ, chuẩn quốc tế thì chưa có.
Do vậy, chúng tôi đề xuất phát triển các trung tâm này làm đầu tàu thúc đẩy kinh tế bằng các kết quả nghiên cứu. Sự đầu tư này tập trung vào một đến hai đơn vị chủ lực, tránh sự dàn trải và phân tán nguồn lực. Với đề án này, chúng tôi kiến nghị thành phố sắp xếp lại các tổ chức khoa học công nghệ công lập trực thuộc UBND TP HCM, hình thành một viện công nghệ tiên tiến.
Thành phố sẽ tập trung nguồn lực vào viện này bằng việc đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, xây dựng chế độ làm việc cho nhân sự, trong đó có ưu đãi về thu nhập. Với Nghị quyết 98 cho phép HĐND thành phố được quyết định vấn đề tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi với các vị trí lãnh đạo và người làm khoa học trong các tổ chức khoa học công nghệ.
Trên cơ sở này, chúng tôi đề xuất cơ chế thù lao tương xứng cho người đứng đầu viện công nghệ tiên tiến để nghiên cứu những sản phẩm thành phố cần. Bởi nếu cơ chế như hiện nay, thành phố trả thu nhập như một công chức bình thường sẽ khó thu hút người tài.
- Cơ sở nào để xây dựng mức lương được xem gấp 5 - 6 lần mức hiện tại?
- Chúng tôi đã khảo sát về chế độ tiền lương khoảng vài chục tổ chức khoa học công nghệ khối nhà nước, tư nhân và của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong các ngành công nghệ. Trong nhóm này có đơn vị nước ngoài trả thu nhập cao nhất 360 triệu đồng cho vị trí giám đốc phụ trách phát triển trí tuệ nhân tạo (chưa tính thưởng).Với khối nhà nước, tổng thu nhập trung bình khoảng 30 - 40 triệu mỗi tháng.
Sau khảo sát, chúng tôi tính toán trong điều kiện nhà nước và mức trung bình từ kết quả trên để đề xuất trả thù lao 60 - 120 triệu đồng mỗi tháng cho chức danh lãnh đạo cao nhất. Mức thu nhập này có thể với nhiều người là lớn, nhưng với chuyên gia nước ngoài hay Việt kiều thì ở mức vừa phải.
- Điều kiện để lãnh đạo trung tâm nghiên cứu khoa học nhận được mức thù lao cao như trên là gì?
- Ở đây có hai vấn đề là tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo nhà nước, như bằng cấp, học hàm, học vị... đương nhiên họ phải đáp ứng. Tuy nhiên, quan trọng hơn lãnh đạo được tuyển chọn phải thỏa mãn yêu cầu công việc được giao. Người hưởng mức thu nhập này phải có một kế hoạch cụ thể về chiến lược nghiên cứu phát triển trong giai đoạn 5 năm.
Hội đồng khoa học sẽ đánh giá nghiên cứu này có xứng tầm với những gì mà thành phố đầu tư, mang lại hiệu quả thực sự, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong đề án này, lãnh đạo phải đưa ra được KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) rõ ràng về lĩnh vực nghiên cứu, ra được những sản phẩm gì, cách làm ra sao...
Việc thẩm định đề án rất quan trọng vì hội đồng sẽ đánh giá năng lực lãnh đạo dựa trên lý lịch khoa học, các vị trí việc làm, bằng sáng chế, các kỹ năng khác... Khi được phê duyệt đề án, lãnh đạo đơn vị nghiên cứu được tuyển chọn mới được hưởng các cơ chế về tiền lương, cơ sở vật chất. Ngoài ra, họ còn được quyền tuyển chọn các các cấp phó, trưởng và các phó phòng đóng vai trò giúp việc trong đề án.
- Tại sao đề xuất chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới... thưa ông?
- Các lĩnh vực này thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM về một số ngành công nghiệp ưu tiên đầu tư phát triển. Các ngành này cũng nằm trong danh mục hơn 200 công nghệ ưu tiên của Chính phủ. Tuy nhiên trong đề án thí điểm, thành phố sẽ chọn một số lĩnh vực với nền tảng là những đơn vị nghiên cứu thế mạnh mà thành phố đang có.
- Sở sẽ giám sát hiệu quả công việc của các trung tâm như thế nào khi dự thảo được triển khai?
- Định kỳ 3 - 6 tháng, lãnh đạo viện nghiên cứu được tuyển chọn phải có báo cáo tiến độ công việc. Trong trường hợp các nghiên cứu không đảm bảo như KPI đặt ra, thành phố có quyền quyết định ngưng đề án bất cứ thời điểm nào. Điều này thể hiện tính trách nhiệm cho người đứng đầu với cơ chế đánh giá các chỉ tiêu có đạt theo tiến độ. Tuy nhiên, trong đề án chúng tôi cũng nêu rõ, nhà khoa học được miễn trừ trách nhiệm dân sự do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định trong nghiên cứu.
Sở dĩ chúng tôi đưa ra quan điểm này vì nghiên cứu khoa học thực tế luôn có khả năng rủi ro, tức nghiên cứu đúng như định hướng vạch ra nhưng kết quả không như mong đợi. Nhà khoa học sẽ không phải hoàn lại tiền do nhà nước cấp. Điều này khuyến khích họ yên tâm hơn, tạo tâm lý dám nghĩ, dám làm với mục tiêu tạo ra sản phẩm nghiên cứu có giá trị tương xứng với mức thu nhập họ được hưởng.
Tuy nhiên, với một số trường hợp nhà khoa học có hướng nghiên cứu không đúng và được hội đồng chỉ ra nhưng vẫn tiếp tục làm, hoặc sử dụng kinh phí vào mục đích cá nhân không phục vụ cho nghiên cứu... vẫn sẽ bị xem xét theo hướng phải bồi thường.
- Một số ý kiến cho rằng thu nhập cao nên được tính toán theo khối lượng công việc và kết quả đầu ra cho từng nghiên cứu chứ không phải theo chức vụ. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
- Lãnh đạo cao nhất của đơn vị được tuyển chọn là người làm khoa học và trực tiếp nghiên cứu, triển khai đề án do mình soạn thảo và chịu trách nhiệm về tính khả thi. Ở cấp phòng, ban, các lãnh đạo là người làm công việc chuyên môn như nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, robotics... Nguyên tắc trả lương cao với các vị trí lãnh đạo về mặt chuyên môn, chứ không phải người đứng đầu làm công việc hành chính, hậu cần...
- Ngoài tăng thu nhập, sắp tới ông cho rằng, thành phố cần có những giải pháp nào thu hút và giữ được nhân tài?
- Để thu hút nhân tài ngoài vấn đề thu nhập, trước tiên thành phố cần làm rõ thu hút nhân tài để giải quyết vấn đề gì. Bởi khi tuyển nhà khoa học, họ phải có thách thức từ các đặt hàng của thành phố cũng như các điều kiện, môi trường làm việc.
Ví dụ, thành phố thu hút nhân tài vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cần phải đặt ra các đầu bài ứng dụng công nghệ này vào một số vấn đề rất cụ thể. Tiếp theo là đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho những nghiên cứu trong lĩnh vực đó.
Nhà khoa học ngoài thu nhập cao cần có các chế độ nhà ở, phương tiện và họ cần một cơ chế làm việc rõ ràng với các mục tiêu cụ thể. Ngoài ra, thủ tục hành chính cần thông thoáng, đặt đúng tinh thần thành phố mời người tài về làm việc, chứ không phải cơ chế xin - cho. Khi hội đủ các yếu tố này, tôi tin rằng, người tài sẽ tới làm việc.
Với đề án thu hút chuyên gia lãnh đạo các viện công nghệ tiên tiến, chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch áp dụng một số nguyên tắc trên. Tuy nhiên, Sở Khoa học và Công nghệ chỉ có thể là cơ quan đề xuất cơ chế hoạt động của viện công nghệ tiên tiến. Còn quá trình tổ chức thực hiện cần sự thống nhất của các sở ngành liên quan, sự chủ động của các đơn vị nghiên cứu trong việc đề xuất nhân sự lãnh đạo đủ tiêu chuẩn để chính quyền thành phố phê duyệt và đi vào hoạt động.
Nguồn: vnexpress.net