Một nhóm các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng, Đại học Johns Hopkins, đang rất nung nấu ý định quay trở lại mặt trăng mờ này của Sao Thổ. Nhưng rút kinh nghiệm, thay vì gửi một tàu thăm dò cố định, lần này nhóm dự định sẽ triển khai một máy bay không người lái (drone) để khám phá Titan từ trên bề mặt, ngay bên dưới lớp khí quyển dày đặc và rất giàu nitơ.
Titan, Mặt trăng lớn nhất của sao Thổ, cho đến nay vẫn luôn là một điều bí ẩn. Ảnh: John Hopkins University.
Trao đổi với Space.com, nhà khoa học Elizabeth Turtle tại ĐH Johns Hopkins cho biết, những bí ẩn về Titan – từ lâu đã luôn thách thức tâm trí các nhà khoa học – may nhờ có Cassini và Huygens mới được tiết lộ phần nào. Vì thế, nhóm đang rất kỳ vọng vào dự án tàu thăm dò dạng drone mang tên Dragonfly nhằm tận dụng môi trường trọng lực yếu và bầu khí quyền dày đặc của Titan để khám phá thêm những địa điểm – hứa hẹn tồn tại sự sống nhất – trên hành tinh này.
Cuối tháng 12/2017, NASA đã lựa chọn hai mẫu concept, trong đó có Dragonfly, để lọt vào vòng chung kết cho đề xuất kế hoạch trở lại Titan – dự kiến khởi động từ giữa năm 2020. Sau đó một năm (12/2018), nhóm phát triển Dragonfly đã gửi thêm một mẫu concept chi tiết hơn và đang chờ đợi quyết định từ NASA – Space.com cho biết. Nếu được chọn, Dragonfly sẽ được phóng lên vũ trụ trong năm 2025 và đổ bộ Titan sau khoảng chín năm nữa.
Viễn cảnh trên tỏ ra rất hứa hẹn, bởi đây không chỉ là một mẫu concept thú vị, thuyết phục về mặt khoa học, mà quan trọng hơn là tính khả thi của nó, xét về khía cạnh kỹ thuật – Mel Melissa, nhà khoa học tại NASA và là một trong những nghiên cứu viên chính của dự án Dragonfly, cho biết.
Theo: khoahocphattrien.vn