Nông dân các vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vùng chuyên canh rau màu hay cây ăn quả đã trải qua một thời gian dài bón phân cho cây trồng đều là 100% phân hóa học. Nguyên nhân là do nguồn phân chuồng thường được sử dụng làm nguyên liệu ủ hầm biogas, sử dụng phân hóa học đơn giản hơn… Vì thế đất trồng ngày càng bị biến tính theo chiều hướng bất lợi cho cây trồng. Thực tế đã có nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả tại Thanh Hà - Hải Dương như cây ổi bị chết rũ hàng loạt vì đất chua chứa nhiều nấm và tuyến trùng hại rễ. Nhiều vùng rau màu cũng đang đối mặt với hiện tượng nhiều cây chết rũ… Nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục như trồng dặm cây ổi con bên cây ổi lớn để thay thế hay đổ đất phù sa lên trên mặt ruộng để canh tác… Tuy vậy, tất cả những biện pháp trên chỉ là cách khắc phục tình thế, về lâu dài không thể cải thiện được đất trồng để phát triển sản xuất. Cho nên cách tốt nhất là phải có biện pháp đưa đất trồng về có kết cấu, hóa lý tính cân bằng để cây trồng có thể sinh sống thuận lợi. Một trong những biện pháp có hiệu quả cao và bền vững là cung cấp trở lại nguồn phân hữu cơ, phân vi sinh cho đất và cây trồng. Việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại hộ gia đình là một cách làm đơn giản mà lại hiệu quả, tiết kiệm được rất nhiều về chi phí phân bón. Nông dân có thể tận dụng phế thải nông nghiệp như rơm rạ, cỏ dại, bèo tây, thân lá rau màu… sau mỗi vụ thu hoạch và bã thải từ hầm biogas hoặc phân gia súc, gia cầm… Các phế thải này được phân hủy nhờ các tập đoàn vi sinh vật hữu ích chứa trong chế phẩm sinh học (do các công ty, đơn vị sản xuất bán) tạo ra nguồn phân hữu cơ vi sinh có giá trị cao đối với cây trồng. Với đặc điểm rẻ tiền (chỉ bằng 15 - 20% giá phân hữu cơ vi sinh bán trên thị trường), dễ sản xuất, phân khô và tơi xốp lại chứa nhiều vi sinh vật có ích, thời gian sản xuất nhanh hơn nhiều ủ phân thông thường… nên nguồn phân bón này mang lại nhiều lợi ích. Mặt khác, khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh sẽ giảm được 30 - 40% lượng phân hóa học và thuốc BVTV (đã được kiểm nghiệm tại nhiều mô hình trình diễn ở Hải Dương) nên tiết kiệm được chi phí đầu vào, cây trồng tăng năng suất và chất lượng. Về lâu dài, việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh sẽ phục hồi và duy trì độ phì nhiêu màu mỡ đất canh tác, tăng hiệu quả hấp thụ NPK của cây trồng, tăng khả năng chống chịu của cây đối với các điều kiện bất lợi ngoại cảnh. Hơn thế việc làm này còn không gây ô nhiễm môi trường và tạo sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng. Tùy từng nguyên liệu phối trộn và chế phẩm sinh học dùng để ủ phân mua về mà nông dân có thể sử dụng được phân bón sau khi ủ 1 - 2 tháng. * Lưu ý: - Các nguyên liệu dùng để ủ phân cần được chặt nhỏ dài 12 - 15cm và phơi khô hoặc phơi tái trước khi đưa vào đống ủ. - Lượng phân chuồng (phân gia súc hoặc gia cầm) cần có từ 1/4 - 1/3 tổng lượng phân cần ủ đồng thời, được bổ sung dịch thải từ hầm biogas sẽ làm cho lô phân có chất lượng cao và thời gian ủ được rút ngắn hơn. - Ủ phân hữu cơ vi sinh cần phải có nguyên liệu che mưa che nắng và cần phải đảo sau ủ khoảng 20 - 30 ngày (đảo từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài) kết hợp với tưới nước thải hầm biogas mới đem lại hiệu quả cao khi sử dụng. - Sử dụng khoảng 80 - 100 kg phân hữu cơ vi sinh với 60 - 70% NPK so với bón thông thường/sào Bắc Bộ sẽ đảm bảo được đủ dinh dưỡng cho cây trồng cả vụ. Sử dụng lâu dài sẽ giảm được nhiều phân bón NPK cũng như thuốc BVTV hơn....