Thời khắc quan trọng này diễn ra vào lúc 11 giờ 20 phút giờ Paris (17 giờ 20 phút giờ Việt Nam) tại Phiên họp toàn thể lần thứ 42 của Đại hội đồng UNESCO (Cộng hòa Pháp). Cùng chứng kiến, về phía Hà Tĩnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền và đại diện một số sở, ban ngành liên quan. |
Trong số 53 danh nhân, sự kiện được ghi trong Văn bản 42C/15 có Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam. Văn bản ghi rõ: “Kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, bác sĩ (1724 - 1791)".
Đây là sự kiện trọng đại không chỉ riêng Hà Tĩnh - Việt Nam mà còn là niềm vinh dự chung của các quốc gia thành viên thuộc Tổ chức UNESCO. Việc UNESCO thông qua nghị quyết cùng tham gia kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa, y học của Việt Nam, với cá nhân danh nhân Lê Hữu Trác; góp phần quảng bá cho các mục tiêu phát triển tự do, cải thiện tính đại diện theo khu vực địa lý và thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao chất lượng, tính minh bạch của các chương trình mà UNESCO đang thúc đẩy.
Đây cũng là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua giữa tỉnh Hà Tĩnh với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm Giáp Thìn (1724), mất năm Tân Hợi (1791), quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, cuộc đời ông chủ yếu gắn bó vùng đất Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Mộ Lê Hữu Trác nay thuộc xã Sơn Trung, Khu lưu niệm Lê Hữu Trác thuộc xã Quang Diệm, đều thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Lê Hữu Trác là Đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học xuất sắc trong lịch sử nước ta ở thế kỷ XVIII. Lê Hữu Trác để lại một sự nghiệp đồ sộ với các tác phẩm nổi tiếng như: Thượng kinh ký sự, Nữ công thắng lãm, Bảo thai thần hiệu diễn ca, Vệ sinh yếu quyết... Đặc biệt, bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh (28 tập, chia thành 66 quyền), được coi là cuốn bách khoa toàn thư về Đông y, là cột mốc đánh dấu bước tiến mới, mở đường cho sự phát triển của y học cổ truyền Việt Nam.
Hải Thượng y tông tâm lĩnh cho thấy nền y học cổ truyền Việt Nam có chân lý riêng, gắn liền kinh nghiệm thực tiễn, phù hợp với phong thổ và dược liệu Việt Nam; một nền y học thuần Việt, thấm nhuần đạo đức và đầy tính nhân văn, nhân đạo. Ngoài lĩnh vực y học (Đông y), bộ sách còn có giá trị về nhiều lĩnh vực như: văn học, lịch sử, giáo dục, văn hóa học. Hải Thượng y tông tâm lĩnh có giá trị không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Lê Hữu Trác đã vươn tới đỉnh cao của nền y, dược học cổ truyền, để lại tấm gương sáng về tài năng, đức độ của người thầy thuốc và một di sản vô giá về y học. Ở Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, có thể thấy trong lĩnh vực hoạt động nào, ông cũng đều toát lên một nhân cách, trí tuệ và tâm hồn lớn. Ông là một tấm gương tiêu biểu về tinh thần lao động, học tập và sáng tạo, sống hết mình vì dân, vì người, vì nghĩa cả. Lê Hữu Trác thực sự mang tầm vóc quốc tế, đủ sức lãnh sứ mệnh nêu gương và truyền cảm hứng cho nhân loại, xứng đáng là một nhân vật lỗi lạc, toàn diện, sánh ngang với nhiều danh nhân trên thế giới.
Như vậy, với việc UNESCO ra nghị quyết lần này, Việt Nam đã có 7 danh nhân được UNESCO vinh danh, cùng tham gia kỷ niệm là Nguyễn Du (năm 2015), Nguyễn Trãi (năm 1980), Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1990), Chu Văn An (năm 2019), Hồ Xuân Hương (năm 2021), Nguyễn Đình Chiểu (năm 2021) và Lê Hữu Trác (năm 2023).
Nguồn: baohatinh.vn