Ruồi đục quả là một trong những đối tượng nguy hiểm nhất gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mẫu mã các sản phẩm của cây lấy quả. Ruồi gây hại hầu hết trên các loại cây ăn quả như: Cam, quýt, bưởi, nhãn, vải, xoài, mận, đào, lê, ổi, dưa, mướp, bầu, bí... Các phương pháp phòng trừ ruồi đục quả truyền thống đã và đang được áp dụng mang lại hiệu quả chưa cao như bẫy chua ngọt, hoặc mang lại hiệu quả cao nhưng tốn nhiều công lao động như phương pháp bao quả.
Theo điều tra gần đây, ở Việt Nam có khoảng 32 loài ruồi đục quả gây hại trên 19 loại trái cây, 14 loại hoa màu và 8 loại cây hoang dại, trong đó có 7 loại phổ biến nhất là Bactrocera dorsalis, B. correcta, B. pyrifoliae, B. carambolae (hại quả) và B. cucurbitae, B. tau, B. hochii (hại rau ăn quả)....Các nghiên cứu về ruồi đục quả cho thấy chúng cần thức ăn giàu protein để tăng trưởng và thành thục, nhất là ruồi cái. Đây là cơ sở khoa học then chốt của việc sử dụng bẫy bả protein trong phòng trừ các loài ruồi đục quả. Bẫy bả Protein sử dụng thuốc dẫn dụ ruồi đục quả Flykil 95 EC có thành phần hoạt chất là Methyl eugenol 90%+Nalel 5%+ phụ gia 5%. Flykil 95 EC có tác dụng dẫn dụ ruồi đục quả vào bẫy để tiểu diệt chúng.
Dự án thực hiện với mục tiêu: Xây dựng mô hình trình diễn với quy mô 2-3ha mỗi vùng; đánh giá hiệu quả của bẫy bả Protein so với phương thức làm theo tập quán của người dân trong phòng trừ ruồi đục quả; giới thiệu và khuyến khích nông dân ứng dụng bẫy bả Protein trong công tác phòng trừ ruồi đục quả, sản xuất rau, quả an toàn đạt hiệu quả cao, giảm chi phí dùng thuốc bảo vệ thực vật; đề xuất nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn huyện.
Hội đồng đánh giá cao tính cần thiết và khả thi của dự án, việc áp dụng biện pháp sinh học trong quản lý dịch hại cây trồng lấy quả, góp phần giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng nông sản. Các tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong dự án đã được khẳng định tại nhiều địa phương trong cả nước và rất phù hợp với điều kiện vùng triển khai dự án. Kết quả Hội đồng thống nhất thông qua, đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì chỉnh sửa một số nội dung theo ý kiến góp ý của các thành viên hội đồng, Sở Khoa học và Công nghệ sớm phê duyệt cho triển khai dự án.
PC