Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh chia sẻ tại hội nghị quốc tế về công nghệ năng lượng mới diễn ra sáng 14/11 tại Hà Nội. Hội nghị này được tổ chức 2 năm một lần, là diễn đàn quy tụ các nhà khoa học trên toàn thế giới để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ năng lượng mới và việc ứng dụng các nguồn năng lượng này.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Khánh cho rằng, trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, tình trạng ô nhiễm môi trường do việc sử dụng năng lượng hóa thạch ngày càng tăng, các chi phí khắc phục hậu quả thiên tai do biến đổi khí hậu gây nên ngày càng tốn kém, việc nghiên cứu các nguồn năng lượng mới càng trở nên cần thiết và cấp bách.
Các nhà khoa học trên thế giới đang nghiên cứu tìm nguồn năng lượng mới bền vững và không gây ô nhiễm môi trường. Một số quốc gia đã thành công như Mỹ, Nhật Bản. Tại Việt Nam, vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực trong giai đoạn 2011-2010 có xét đến 2020, với mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (năm 2017 tăng 7%, năm 2020 tăng 10%).
Từ tháng 11/2015, Chính phủ cũng đã ban hành chỉ thị chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật với mức sử dụng năng lượng và lộ trình áp dụng cho từng ngành sản xuất công nghiệp, khuyến khích sử dụng các trang thiết bi, phương tiện có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm vào bảo vệ môi trường, phát triển các thiết bị hiệu suất cao, thúc đẩy bảo tồn năng lượng trong các hoạt động công nghiệp.
"Trong những năm, qua các nhà khoa học của Việt Nam đã tập trung nghiên cứu, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng mặt trời, nghiên cứu chế tạo tuabin gió, tập trung triển khai nghiên cứu trong các mô hình năng lượng ở quy mô công nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu sử dụng hydrogen trong việc chế tạo pin nhiên liệu PEMFC để hướng tới thay thế xăng dầu trong giao thông vận tải" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.
Thứ trưởng cũng khẳng định, là đất nước có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ xây dựng chương trình quốc gia về năng lượng tái tạo, triển khai các công trình nghiên cứu phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, xây dựng ngành công nghệ năng lượng tái tạo.
Theo: khoahocphattrien.vn