Vụ xuân 2022, toàn tỉnh sản xuất hơn 59.800 ha lúa
12/13 địa phương sụt giảm năng suất lúa
Vụ lúa 2022, huyện Cẩm Xuyên sản xuất hơn 9.676 ha, tăng hơn 160 ha so với năm 2021. Mặc dù từ đầu vụ, địa phương luôn chú trọng công tác chỉ đạo sản xuất, tuân thủ lịch thời vụ, khuyến cáo kịp thời về quy trình kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh... nhưng kết quả vẫn không được như mong đợi. Năng suất bình quân toàn huyện đạt 58,68 tạ/ha, giảm 1,51 tạ/ha so với vụ xuân 2021. Theo bà con nông dân, nguyên nhân chính vẫn là do tình hình thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng của lúa.
Ông Phạm Hữu Tuân - thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) cho biết: “Bao nhiêu năm làm nông nghiệp, hiếm có năm nào thời tiết vụ xuân khắc nghiệt như năm nay. Mưa rét kéo dài gần hết mùa vụ, nhất là ở thời điểm lúa trổ bông và gần thời gian thu hoạch đã khiến bà con gần như không có cách nào ứng phó. Gia đình tôi làm 1,2 mẫu lúa, chủ yếu là giống Khang dân 18, nếu như năm ngoái đạt từ 3,2 - 3,5 tạ/sào thì năm nay chỉ đạt khoảng 2,5 - 2,7 tạ/sào”.
Vụ xuân 2022, năng suất bình quân toàn huyện Cẩm Xuyên đạt 58,68 tạ/ha, giảm 1,51 ta/ha so với vụ xuân 2021.
Không chỉ ở Cẩm Xuyên, tình trạng sản xuất gặp khó diễn ra ở tất cả các địa phương. Nhiều nơi, tình hình còn nghiêm trọng hơn khi lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn nặng, thất thu. Ông Đặng Đình Tứ - Trưởng thôn Đông Sơn, xã Thạch Xuân (Thạch Hà) cho biết: “Vụ xuân 2022, thôn sản xuất 70 ha, cơ cấu các loại giống chủ lực: ADI 168, TH8, Bắc Thịnh. Trong đó, lớn nhất là ADI 168 (15 ha), TH8 (gần 20 ha) lại bị nhiễm nặng bệnh đạo ôn, bông lúa lép lửng nên năng suất sụt giảm. Vụ này, năng suất bình quân của toàn thôn chỉ đạt chưa đến 2 tạ/sào, thấp hơn vụ xuân trước khoảng 1 tạ/sào".
Điều đáng nói, rất nhiều gia đình chỉ sản xuất 1 - 2 loại giống nên áp lực mất mùa càng nặng nề hơn.
“Nhà tôi làm 1 mẫu ruộng, gieo cấy 1 loại giống ADI 168 nhưng chỉ thu về được chưa đầy 1 tấn lúa, mất ít nhất khoảng 60 - 70%” - anh Phạm Văn Hùng, thôn Đông Sơn chia sẻ.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa xuân 2022, năng suất bình quân đạt xấp xỉ 56 tạ/ha. So với năm 2021, vụ lúa năm nay giảm hơn 2,91 tạ/ha; ngoài Vũ Quang (tăng 4,67 tạ/ha) thì 12 huyện, thị, thành phố còn lại đều giảm từ 0,62 - 8,49 tạ/ha.
Cánh đồng lúa ADI 168 của gia đình anh Phạm Văn Hùng, thôn Đông Sơn, xã Thạch Xuân (Thạch Hà) mất khoảng 70 - 80% do bị nhiễm bệnh đạo ôn (Ảnh chụp vào ngày 15/5).
Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Vụ Xuân 2022 sản xuất trong điều kiện một năm khó khăn điển hình về thời tiết. Nền nhiệt độ các khu vực thấp hơn trung bình nhiều năm và thấp hơn cùng kỳ năm 2021 từ 0,8 - 1,2 0 C. Từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng 17 đợt không khí lạnh. Đặc biệt, từ trung tuần tháng 4 đến cuối vụ, thời điểm cây lúa bước vào giai đoạn trổ bông - chín đã phải chịu ảnh hưởng 3 đợt không khí lạnh (15 - 22/4; 30/4 - 3/5; 13 - 15/5) gây mưa làm đổ ngã một số diện tích, ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên cổ bông.
Dù vậy, so sánh trong vòng 5 năm gần nhất (2018 - 2022) thì vụ xuân 2022 không phải là năm có năng suất lúa bình quân toàn tỉnh thấp nhất (thấp nhất là vụ xuân 2020: 54,81 tạ/ha) và cao hơn năm 2019 là 0,30 tạ/ha. Tất nhiên, phải nói thêm rằng, năm nay một số loại giống sử dụng trong vụ xuân 2022 có nhiều biểu hiện mẫn cảm với dịch bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn, gây mất mùa cục bộ ở một số địa phương”.
Người dân Thạch Hà buồn bã vì năm nay lúa DH8 đã từng cho năng suất cao ở vụ xuân 2021 lại mất mùa
Cần kiểm soát chặt cơ cấu giống
Theo Sở NN&PTNT, vụ xuân 2022, toàn tỉnh cơ cấu 35 giống lúa, gồm: nhóm giống đại trà (HT1, N98, N87, Khang dân đột biến, Khang dân 18, Xuân Mai 12, HT1, Nhị ưu 838, TH3-3, Thái Xuyên 111, Bắc Thịnh, BT09, RVT, PC6) với hơn 32.765 ha; nhóm tiềm năng về năng suất, thích ứng (VNR20, VNR10, ADI 168, ADI 28, BQ, LP5, QP5) với gần 13.900 ha; nhóm triển vọng về năng suất (TH8, HDT10, HD11, DT80, ĐH12, Hà Phát 3, DT18, DQ11, ND502) với hơn 3.373 ha. Ngoài ra còn có nhóm giống đặc thù: P6, XT28, Xi23, NX30 và J02.
Qua điều tra trên đồng ruộng, bệnh đạo ôn hại lúa bắt đầu xuất hiện từ tháng 2/2022, gây hại cục bộ trên một số giống XT28, P6, Thái Xuyên 111, ADI 168, VNR 20, Xi23, NX 30 tại Thạch Hà, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Can Lộc… Ở giai đoạn nhiễm đạo ôn lá, diện tích nhiễm lúc cao nhất là 600 ha (cao hơn 368 ha so với vụ xuân 2021). Điều đáng nói, nhóm giống này tiếp tục được “gọi tên” trong giai đoạn lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông.
Toàn tỉnh có 425 ha lúa bị nhiễm bệnh, sụt giảm năng suất từ 7 - 15 tạ/ha so với những diện tích không bị nhiễm bệnh; một số diện tích ở các địa phương như Can Lộc, Thạch Hà, Hương Khê chỉ cho thu hoạch đạt 17 - 18 tạ/ha, có nơi mất trắng.
Ngoài yếu tố khách quan do thời tiết thì nhiều giống lúa đưa vào nhóm triển vọng và tiềm năng chưa có tính ổn định, khả năng chống chịu sâu bệnh chưa cao.
Giải thích về điều này, ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm: “Ngoài yếu tố khách quan do thời tiết thì phải nói rằng, tính ổn định và chống chịu sâu bệnh của một số loại giống mới đưa vào sản xuất chưa cao. Điển hình như: ADI 168, VNR 20, Thái Xuyên 111, TH8, DH8 đã từng cho năng suất khá cao trong vụ xuân 2021 nhưng lại bộc lộ điểm yếu, nhiễm nặng bệnh đạo ôn trong vụ xuân 2022. Ngành nông nghiệp đang tiếp tục rà soát để đánh giá một cách tổng thể về tiềm năng năng suất, tính chống chịu của các loại giống; theo đó, loại bỏ những loại giống có biểu hiện nhiễm bệnh nặng ra khỏi cơ cấu…”
Động thái này của ngành nông nghiệp rõ ràng là cần kíp nhất lúc này. Tuy nhiên, đây không phải là năm duy nhất Hà Tĩnh chịu sự tác động tiêu cực mạnh mẽ từ thời tiết hay dịch bệnh đạo ôn. Những bài học về bệnh đạo ôn gây hại nặng nề trên một số giống trong quá khứ như: Thiên ưu 8 (vụ xuân 2017), VTNA- 2 (vụ xuân 2018)...
Qua những thiệt hại trong vụ lúa này, thiết nghĩ ngành chuyên môn cần kiểm soát tốt hơn công tác cung ứng, cơ cấu bộ giống lúa chủ lực nhằm chủ động trong chỉ đạo sản xuất, phòng trừ sâu bệnh. Quan trọng hơn chính là công tác quản lý nhà nước về giống, cân đối nhóm giống triển vọng và đại trà trên đồng ruộng để giảm thiểu những rủi ro từ nguyên nhân do giống.
Từ đó, có khuyến cáo sát sao hơn đối với những vùng đất, giống lúa có biểu hiện mẫn cảm với dịch bệnh, nhất là bệnh đạo ôn. Đặc biệt, những giống lúa có chỉ định “mẫn cảm với bệnh đạo ôn” thì không cơ cấu vào những cánh đồng lớn!
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn