10:05 | 04-05-2016

Vùng chết khổng lồ có thể xuất hiện trên đại dương năm 2030

vung chet khong lo co the xuat hien tren dai duong nam 2030

Cá chết hàng loạt ở Mumbai, Ấn Độ do ngạt khí. Ảnh: AP.

Lượng oxy trong nước biển thay đổi do biến động tự nhiên. Nhưng nhiệt độ ấm lên khiến nước biển khó hấp phụ và phân phối oxy hơn. Theo các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Mỹ (NCAR) tại Colorado, nếu mức thải khí các-bon tiếp tục gia tăng, sự ấm lên toàn cầu chắc chắn sẽ dẫn đến nồng độ oxy sụt giảm trên diện rộng ở khắp các đại dương.

"Rất khó để chỉ ra tác động của con người trừ khi tác động đó rõ ràng tới mức vượt ra ngoài khoảng biến động tự nhiên", Business Insider dẫn lời Matthew Long, nhà hải dương học ở NCAR kiêm tác giả chính của nghiên cứu.

Long và đồng nghiệp sử dụng mô hình máy tính để tính toán phạm vi của biến động tự nhiên và dự đoán thời điểm sự cạn kiệt oxy do tác động của con người bắt đầu diễn ra. Nhóm nghiên cứu công bố phát hiện hôm qua trên tạp chí Chu kỳ Sinh hóa học Toàn cầu của Liên đoàn Địa vật lý Mỹ.

vung chet khong lo co the xuat hien tren dai duong nam 2030

Tình trạng khử oxy do biến đổi khí hậu sẽ trở nên phổ biến vào năm 2030 - 2040. Ảnh: Matthew Long/NCAR.

Ở một số môi trường như Bắc Cực, nơi nhiệt độ gia tăng gấp hai lần so với những nơi khác trên thế giới và vùng nhiệt đới Đại Tây Dương, quá trình đã bắt đầu diễn ra, theo kết luận từ nghiên cứu. Phần lớn Thái Bình Dương chắc chắn sẽ trải qua sự sụt giảm oxy trên diện rộng năm 2030, trong khi phía bắc Ấn Độ Dương có ít thay đổi vào cuối thế kỷ.

"Quá trình khử oxy trên các đại dương đang diễn ra và sẽ còn tiếp diễn ở tốc độ nhanh hơn nếu con người tiếp tục thúc đẩy sự ấm lên toàn cầu", Long nói.

"Suốt thời gian dài, mọi người cho rằng đại dương sẽ không thay đổi và chúng ta không bao giờ có thể tác động đến vùng nước lớn như vậy. Nghiên cứu này giúp chúng ta nhận ra phạm vi ảnh hưởng của chúng ta và tác động mà biến đổi khí hậu sắp tạo ra trên toàn cầu", Keryn Gedan, nhà sinh thái học biển ở Đại học Maryland, nhận xét.

Các vùng biển nhiệt đới ấm lên do El Niño hoành hành vào năm ngoái, dẫn đến hiện tượng tẩy trắng rặng san hô. Không chỉ làm giảm nồng độ oxy hòa tan, hiện tượng này chắc chắn sẽ đe dọa nhiều dạng sống dưới biển.

Một nghiên cứu khác công bố đầu tuần này trên kỷ yếu của Hiệp hội Hoàng gia Anh, chỉ ra rìa lục địa ngoài khơi Thái Bình Dương của châu Mỹ và vùng biển Arab từ Pakistan đến đông nam châu Phi có khả năng biến thành "vùng chết". Đây là những khu vực thiếu oxy và bị axit hóa do đại dương hấp thụ nhiều khí CO2 từ khí quyển, có thể phá hủy hệ sinh thái dưới biển ở độ sâu lên đến hơn 200 m.

vung chet khong lo co the xuat hien tren dai duong nam 2030

Rặng san hô bị tẩy trắng ở vùng biển giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters.

Những vùng biển trên cũng là nơi các hoạt động của con người như đánh cá và khai thác dầu khí phổ biến nhất, theo Lisa Levin, nhà sinh thái học biển thuộc Viện Hải dương học Scripps, đồng tác giả nghiên cứu.

"Chúng ta dựa nhiều vào đánh cá ở tầng đáy của những khu vực này. Các loài góp phần đem đến sự đa dạng sinh thái và môi trường bền vững ở đáy biển có thể dễ tổn thương trước quá trình khử oxy đại dương, axit hóa và ấm lên toàn cầu. Chúng cũng dễ gặp nguy hiểm trước ảnh hưởng của con người", Levin nói.

Theo Gedan, nếu một khu vực có lượng oxy thấp, bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ tác động trở lại hệ sinh thái một cách nghiêm trọng. Những loài cá hoặc tổ chức sinh vật lớn có thể bỏ đi, nhưng động vật nhỏ hoặc san hô sẽ gặp nguy hiểm.

"Chúng ta biết vùng biển nông ven bờ ấm lên nhanh hơn mặt biển rộng, đặc biệt là các cửa sông. Chúng ta đang chứng kiến vô số vùng chết xuất hiện trên khắp thế giới, và chúng sẽ trở nên ngày càng phổ biến", Gedan nhận định.

Theo Phương Hoa/VnExpress

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận