Là tỉnh có điểm xuất phát thấp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng sau hơn 6 năm xây dựng NTM, với sự nỗ lực cao, cách làm sáng tạo của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân, Hà Tĩnh đã tạo được sự chuyển biến lớn, đạt kết quả toàn diện, vững chắc với nhiều dấu ấn nổi bật. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp thầm lặng của công tác tham mưu, điều phối kịp thời, có hiệu quả, có tầm chiến lược của đội ngũ cán bộ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương kiểm tra, chỉ đạo xây dựng NTM tại cơ sở.
Xây dựng nông thôn mới bền vững
Hà Tĩnh bắt tay triển khai xây dựng NTM khi số tiêu chí bình quân mới đạt 4,1 tiêu chí/xã, không có xã đạt trên 10 tiêu chí và có đến 120 xã đạt dưới 5 tiêu chí, đặc biệt là còn gặp khó khăn, bỡ ngỡ trong công tác chỉ đạo, phương pháp, cách làm và ý thức của người dân chưa cao. Những khó khăn khách quan, chủ quan đó đã được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và mỗi người dân nhìn nhận thẳng thắn để nhanh chóng khắc phục, triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu.
Hơn 6 năm qua, phong trào xây dựng NTM của Hà Tĩnh đã đạt được kết quả toàn diện, có chiều sâu, bền vững với nhiều dấu ấn rõ nét. Mức độ đạt được các tiêu chí đều nâng lên (1,2 lần); số tiêu chí đạt chuẩn tăng bình quân 2 tiêu chí/xã; tiêu chí đạt chuẩn bình quân 14,4 tiêu chí/xã, có 82/230 xã (35,6%) đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 9 tiêu chí.
Một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại; thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp; hình thành mới trên 13.000 mô hình SXKD có hiệu quả. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng KT-XH... được đầu tư xây dựng khang trang theo hướng hiện đại, môi trường sống ở các khu dân cư xanh - sạch - đẹp, bản sắc văn hóa làng quê được giữ gìn và phát huy.
Khu dân cư kiểu mẫu Nam Trà (Hương Trà - Hương Khê)
Đặc biệt, Hà Tĩnh đã có cách làm sáng tạo khi xây dựng thêm tiêu chí thứ 20 - tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu. Đến nay, có 120 thôn đã xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, trên 6.000 vườn mẫu được xây dựng, trong đó, 1.300 vườn đạt chuẩn...
Kết quả đạt được quan trọng nhất là đã làm chuyển biến được nhận thức, ý thức của người dân tại các thôn xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu về phát triển kinh tế trong khu dân cư, chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường; tăng thêm mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư và huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
“Hà Tĩnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, xác định tái cơ cấu kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp nói riêng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là nội dung cốt lõi trong xây dựng NTM. Chúng tôi kiên trì về vấn đề phát triển sản xuất có liên kết, đặc biệt quan tâm hàng hóa chủ lực theo chuỗi giá trị, tái cơ cấu kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp, không chỉ phát triển kinh tế trong nông nghiệp mà còn phát triển kinh tế tổng hợp” - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định.
Nông thôn đổi mới ở thôn Yên Mỹ (Cẩm Mỹ - Cẩm Xuyên)
Hướng tới chuyên trách, chuyên nghiệp
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh ban hành hơn 150 văn bản các loại chỉ đạo thực hiện chương trình.
Đặc biệt, văn phòng đã thực hiện tốt việc chủ trì tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện. Các chính sách, nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, là “đòn bẩy” thúc đẩy tiến độ hoàn thành các tiêu chí, phát triển KT-XH ở các địa phương.
Các nội dung, công việc được điều phối triển khai nhịp nhàng, nhanh chóng, thông suốt từ tỉnh xuống cơ sở; các chủ trương, chính sách được tuyên truyền, triển khai kịp thời đến tận người dân; việc kiểm tra, bám sát cơ sở được thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu sát nắm bắt, phát hiện các vấn đề, khó khăn, vướng mắc ở cơ sở để tham mưu Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh chỉ đạo, bổ cứu kịp thời; đồng thời, đôn đốc, chỉ đạo cơ sở thực hiện, góp phần quan trọng thúc đẩy chương trình nhanh hơn, có chiều sâu và bền vững hơn…
Vườn mẫu ở Cẩm Yên (Cẩm Xuyên)
Ông Trần Huy Oánh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết, đội ngũ cán bộ văn phòng xác định, để tham mưu tốt, trước hết phải nắm chắc, nắm rõ các cơ chế, chính sách về xây dựng NTM, tình hình thực tế ở cơ sở. Hàng tuần, hàng tháng, mỗi cán bộ đều xây dựng lịch trình công tác, dành ít nhất 2 ngày để kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở, nhất là các xã đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm, nhóm xã khó khăn, số tiêu chí đạt thấp. Khi phát hiện những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, chúng tôi đề xuất với Ban Chỉ dạo, UBND tỉnh phương án, kế hoạch tháo gỡ.
Trong quá trình thực hiện, Hà Tĩnh đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các xã, “vừa điểm, vừa diện”, với quan điểm “nâng đầu đỡ cuối, tất cả cùng tiến bộ và phát triển”. Phát triển “thôn vững, xã chắc”. NTM phải phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với phát triển văn hóa, môi trường xanh, sạch, đẹp. Nông thôn phải là nơi đáng sống trong thời kỳ mới hiện nay.
Trải nghiệm đánh bắt cá trong chương trình du lịch làng xã NTM ở huyện Nghi Xuân
Xây dựng NTM từ “yêu cầu” đã trở thành “nhu cầu”, từ “hy vọng” đã trở thành “khát vọng”, từ nhận thức “phải làm” nay “muốn được làm”. Những kết quả đạt được thời gian qua mới chỉ là bước đầu, xây dựng NTM luôn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên trước mắt và lâu dài, là quá trình liên tục, không ngừng, sau xây dựng đạt chuẩn phải giữ vững, phải nâng cấp, xây dựng NTM kiểu mẫu… Chính vì vậy, bộ máy tham mưu, giúp việc cũng cần phải ngày càng chuyên trách, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chương trình.
Theo baohatinh.vn