Hà Tĩnh có tiềm năng lớn về mặt nước hồ chứa và đây là một tiềm năng lớn cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 350 hồ, đập lớn nhỏ, tuy nhiên việc sử dụng hồ chứa để nuôi thủy sản ở Hà Tĩnh còn rất hạn chế so với nhiều địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng. Đời sống của người dân sống quanh vùng lòng hồ nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, chưa được hưởng lợi đáng kể từ hồ chứa. Đến nay cả chính quyền lẫn người dân đang khó khăn trong việc tìm kiếm sinh kế phù hợp cho người dân sống xung quanh khu vực hồ chứa. Trước tình hình đó, phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa, lựa chọn các đối tượng nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế thông qua việc xây dựng các mô hình nuôi có hiệu quả kinh tế, dễ áp dụng và nhân rộng cho tỉnh Hà Tĩnh là nhu cầu cấp thiết và là một xu hướng tất yếu.
Với mục tiêu và nội dung của đề tài là:
Xây dựng thành công mô hình nuôi một số loài cá đặc sản có hiệu quả kinh tế cao bằng công nghệ lồng nhựa HDPE chi phí thấp nhằm phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ, đập và khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho người dân vùng lòng hồ.
Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm một số loài cá đặc sản (cá Trăm đen, cá Leo, cá Trắm giòn, cá Chép giòn) bằng lồng nhựa HDPE chi phí thấp trên hồ, đập lớn với quy mô 1.000m 3 (10 ô lồng, mỗi ô lồng 100m 3 ), năng suất đạt 20kg/m 3 .
Hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm các loại cá vừa nêu trên bằng lồng trên hồ, đập lớn tại Hà Tĩnh. Đào tạo, tập huấn cho 5 cán bộ kỹ thuật và 2 người dân nắm vững và làm chủ quy trình nuôi thương phẩm cá Trắm, cá Leo, cá Trắm giòn và cá Chép giòn trong lồng trên hồ, đập.
Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá đây là dự án rất cần thiết triển khai trong giai đoạn hiện nay, và được hội đồng nhất trí thông qua. Hội đồng đề nghị chủ nhiệm dự án cần tính toán lại các hạng mục đầu tư để tính toán hiệu quả kinh tế một cách chính xác nhất. Trong quá trình triển khai cần chú ý đến môi trường lòng hồ và môi trường xung quanh. Hội đồng đồng ý cho chuyển đổi đối tượng nuôi là cá Leo sang nuôi cá Rô Phi. Đề nghị Sở KH&CN hoàn thiện các thủ tục cần thiết đề dự án sớm được triển khai/.
PT