03:04 | 21-06-2016

Xứng đáng là những người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa

Từ đó đến nay, 91 năm đã trôi qua, báo chí cách mạng đã có những bước trưởng thành và lớn mạnh, đóng góp to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN, đổi mới đất nước.

xung dang la nhung nguoi chien si xung kich tren mat tran tu tuong van hoa

Hồ Chủ tịch tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962) (ảnh: T.L)

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đồng thời là nhà báo vĩ đại: “Nhà báo cũng là chiến sĩ, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, hơn 9 thập kỷ qua, các thế hệ nhà báo Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, trau dồi bản lĩnh, rèn luyện trí sáng, nuôi dưỡng lòng trong, mài giũa bút sắc để có thể bắt kịp và hòa vào dòng chảy thời đại, phản ánh kịp thời, trung thực cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập và hội nhập quốc tế của các tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước, biểu dương, cổ vũ cái mới, cái tốt, đấu tranh phê phán cái ác, cái xấu nhằm làm lành mạnh hóa xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, nhiều nhà báo - chiến sĩ đã lên đường, có mặt nơi tuyến lửa, đưa tin, bài phản ánh về cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta. Nhiều nhà báo đã gác lại tình cảm gia đình vì nhiệm vụ lớn lao của dân tộc và đã anh dũng hy sinh như: Bùi Kim Xuyến, Trần Đăng, Dương Thị Xuân Quý, Phạm Hồ, Bùi Đình Túy...

Trong thời kỳ hòa bình, nhiều nhà báo đã không quản ngại khó khăn lên rừng xuống biển, ra đảo, đến công trường, xưởng máy, những nơi nóng bỏng, nguy hiểm nhất để phản ánh những vấn đề người dân quan tâm, kịp thời có những thông tin trung thực nhằm giúp Đảng, Nhà nước và đoàn thể xã hội có những chính sách đúng đắn về KT-XH, giữ vững an ninh quốc phòng, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Nhiều nhà báo đã mạnh mẽ lên tiếng đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước. Nhiều nhà báo vì đấu tranh chống tiêu cực không khoan nhượng, quyết đi đến tận cùng sự thật đã phải đối mặt với hiểm nguy, căng thẳng, mệt mỏi. Họ xứng đáng là các nhà báo - chiến sĩ trong cả thời chiến lẫn thời bình.

Hiện nay, cả nước có gần 860 cơ quan báo chí gồm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, hãng thông tấn với 18.000 nhà báo được cấp thẻ và 5.000 phóng viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí chưa đủ điều kiện cấp thẻ. Sự phát triển mạnh mẽ của các tờ báo cùng các trang mạng xã hội đã đáp ứng nhu cầu thông tin phong phú hiện nay của người dân.

Tuy vậy, cũng chưa bao giờ tình trạng nhiễu loạn thông tin diễn ra hàng ngày như bây giờ. Đất nước hội nhập quốc tế sâu và rộng, những mặt trái của kinh tế thị trường tác động vào tư tưởng và đời sống văn hóa của người dân, nhất là thế hệ trẻ. Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng gặp không ít khó khăn, thách thức. Kẻ thù luôn tìm cách phá hoại sự hòa bình và ổn định của chúng ta, kẻ xấu dùng mạng xã hội để làm băng hoại đạo đức, phai nhạt bản sắc văn hóa của dân tộc. Hơn bao giờ hết, các nhà báo cách mạng càng phải tỏ rõ vai trò chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, dùng cây bút và trang giấy làm vũ khí sắc bén để định hướng dư luận, đấu tranh với các thế lực thù địch, đấu tranh với cái xấu, cái ác, bảo vệ và tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc, bảo vệ lẽ phải và công bằng xã hội, bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ Đảng, chính quyền, góp phần đưa công cuộc đổi mới đất nước đạt nhiều thành tựu rực rỡ.

Kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là dịp để các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của lãnh tụ - nhà báo Hồ Chí Minh, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, góp sức mình xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như mong ước sinh thời của Bác Hồ kính yêu.

Theo baohatinh.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận