Hà Tĩnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ, địa hình phức tạp, điều kiện thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng trực tiếp đến công tác sản xuất và đời sống. Vì vậy, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh đã khẳng định, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) là một trong các khâu đột phá quan trọng. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX đã xác định một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở khoa học và công nghệ (KH và CN), ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”. Trước đó, Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KH và CN đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công nghệ sinh học; HĐND ban hành Nghị quyết 95/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 về một số chính sách phát triển KH và CN tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025; UBND tỉnh ban hành Chương trình 208/CTr-UBND ngày 05/6/2023 thực hiện Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình KH và CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025…
Nhờ vận dụng hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, những năm gần đây, bước ngoặt đã dần xuất hiện khi tỉnh đã từng bước dịch chuyển cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng KH và CN trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt với ngành nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong sản xuất đã khắc phục được bất lợi của thời tiết, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2020 đến nay Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ̉ đạo ngành KH và CN triển khai thực hiện 02 nhiệm vụ cấp Nhà nước thuộc Chương trình Quỹ gen; 11 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi; 94 đề tài, dự án cấp tỉnh với nhiều kết quả nổi bật:
Kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, điển hình là nghiên cứu các giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu của di sản văn hóa làng Trường Lưu, kết quả là cơ sở khoa học xây dựng hồ sơ đăng ký xếp hạng Di sản Tư liệu Ký ức thế giới đối với sách cổ Hoàng Hoa sứ trình đồ; lập hồ sơ khoa học để trình và được UNESCO vinh danh cụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới. Một số kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học ban hành các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy như: Nghị quyết về văn hóa con người Hà Tĩnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển; Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhất là Ủy viên ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chi bộ trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030.
Trong lĩnh vực Y dược, tập trung nghiên cứu các loài thảo dược có khả năng hạn chế một số bệnh ung thư thường gặp, ứng dụng “Yoga trị liệu Việt Nam” để phục hồi chức năng cho bệnh nhân di chứng tai biến mạch máu não. Tiếp nhận, duy trì các kỹ thuật cao, chuyên sâu trong y học như: phẫu thuật nội soi khớp vai, khớp gối, ổ bụng; phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng nhân tạo; chụp và can thiệp động mạch vành; đặt máy tạo nhịp tim,… Nhiều kết quả nghiên cứu về Dược phẩm đã được thương mại hóa, sản xuất đưa ra thị trường, như: Viên ngậm thông phế, Viên nhuận tràng, Viên Ích trí Hadiphar,…
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kiểm tra mô hình trồng Sâm Bố Chính thuộc dự án “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm Bố chính (Hisbiscus sagittifolius Kurz) tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh”; Ảnh: Dương Chiến
Trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã tuyển chọn đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất chất lượng, phẩm cấp tốt, thích ứng rộng vào sản xuất, (bò máu ngoại, lợn siêu nạc, rau màu, giống lúa J02); hỗ trợ nghiên cứu đầu tư bài bản, ứng dụng chuyển giao công nghệ cao sản xuất Lan Hồ điệp…; các giống tôm càng xanh, cá, ốc hương…, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được nghiên cứu và áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng cây có múi; sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; công nghệ sản xuất trong nhà màng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT); thâm canh, nuôi tôm trong bể xi măng, ao bạt; cua, cá, ốc hương...
Trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ: chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học vào xử lý môi trường, sản xuất phân bón hữu cơ; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước; ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất rau quả, chế biến nông sản thực phẩm. Nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng trong ngành Giao thông Vận tải như: công nghệ cào bóc gia cố và tái chế nguội tại chỗ; công nghệ lớp phủ vữa nhựa Polime (công nghệ Micro surfacing); công nghệ dán sợi cường độ cao FRP (Fiber Reinforced Polimer) trong sửa chữa gia cường cầu yếu; công nghệ mở rộng xà mũ trụ bằng bê tông cốt thép dự ứng lực trong thi công cầu. Công nghệ chế biến nước mắm bằng hệ thống cấp nhiệt sử dụng năng lượng mặt trời tiếp tục được duy trì và phát triển; các sản phẩm như: trà sen, bột ngũ cốc, trà túi lọc (linh chi, cà gai leo,…), nấm sò muối, mít nấm,… được nghiên cứu, hoàn thiện quy trình, sản xuất đưa ra thị trường.
Chương trình Hợp tác tiếp tục được duy trì và mở rộng. Thực hiện nghị định thư hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Lào (Hà Tĩnh với Bolykhamxay), mặc dù thực hiện trong thời gian dịch covid - 19 bùng phát, bằng sự cố gắng, đến nay nhiệm vụ hợp tác đã hoàn thành các nội dung theo hợp đồng ký kết với Bộ KH và CN.
Bên cạnh việc hỗ trợ nghiên cứu, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong sản xuất, ngành KH và CN cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh nhiều chương trình, đề án, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển KHCN và ĐMST. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), sáng kiến được quan tâm, tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã tạo sự lan tỏa đến đông đảo người dân, doanh nghiệp. Tổ chức 5 Cuộc thi KNĐMST thu hút được 203 dự án/ý tưởng KNĐMST tham gia trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau: nông nghiệp, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, du lịch - dịch vụ… kết quả đã có 58 dự án KNĐMST được lựa chọn để ươm tạo và hỗ trợ phát triển thông qua các chính sách của đề án. Có 05 dự án tham gia Cuộc thi cấp vùng Bắc Trung Bộ, trong đó có 01 dự án đạt giải ba (Dự án Mô hình giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa - Công ty TNHH MTV Phát triển KHCN cao MQA) và 02 dự án đạt
giải khuyến khích (dự án Viecnho.vn và dự án chia sẽ công việc chung) tại Cuộc thi KNĐMST vùng Bắc Trung Bộ. Công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được tăng cường, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người tiêu dùng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Các cơ sở sản xuất trên địa bàn cơ bản đã tiếp cận và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm và được hỗ trợ theo chính sách của tỉnh…
Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong năm qua, để KHCN và ĐMST thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới cần tập trung nguồn lực đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH và CN có trọng tâm, trọng điểm, sát với yêu cầu thực tiễn của tỉnh. Nâng cao chất lượng đề tài, dự án KH và CN theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, lấy kết quả nghiên cứu ứng dụng làm thước đo. Đẩy mạnh chuyển đổi số để kịp thời phục vụ tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khai thác, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Tăng cường cơ chế phối hợp 3 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Chú trọng xây dựng, thúc đẩy các giải pháp thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ Quỹ phát triển KH và CN của các doanh nghiệp để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.
Tập trung triển khai Chương trình phát triển công nghệ cao, chú trọng phát triển công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; Chương trình phát triển thảo dược, giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, vật liệu mới và năng lượng mới. Ứng dụng KH và CN vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng thực chất, bền vững hiệu quả, tạo vùng sản xuất chuyên canh theo chuỗi giá trị gắn với bảo vệ môi trường. Chủ động tham gia các Chương trình KH và CN cấp Nhà nước, cấp Bộ để huy động thêm nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chú trọng tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 482/KH-UBND ngày 03/11/2023 về thực hiện chiến lược phát triển KHCN và ĐMST trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030 và Nghị quyết 95/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách phát triển KH và CN tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành KH và CN, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, cùng tinh thần chung sức đồng lòng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; kết quả thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH và CN thời gian tới thực sự phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững.
Lê Ngọc Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh