21:23 | 08-12-2024

Nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) tỉnh Hà Tĩnh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh vừa tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) tỉnh Hà Tĩnh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo” do nhóm nghiên cứu Trường Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Đề tài được thực hiện từ tháng 12/2022 đến 12/2024; Trong ảnh: Ông Bùi Quang Hoàn-Giám đốc Sở KH và CN Hà Tĩnh phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp của tỉnh Hà Tĩnh trên nền tảng KHCN và ĐMST".

Năng suất nhân tố tổng hợp TFP (TFP - Total factor Productivity) là năng suất hay hiệu quả của các nhân tố sản xuất ngoài vốn và lao động trong việc tạo ra sản lượng kinh tế. Các nhân tố này bao gồm tiến bộ công nghệ, trình độ quản lý, vốn con người, thể chế và chất lượng của môi trường kinh tế và các yếu tố ngẫu nhiên khác. Giai đoạn 2011-2015 cho thấy tỷ lệ đóng góp của vốn vào GRDP chiếm 56,43%, trong khi đó đóng góp của lao động là 13,89% và TFP là 29,67%.

Điều này cho thấy rằng trong giai đoạn này, tỉnh Hà Tĩnh phụ thuộc khá nhiều vào việc đầu tư vốn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi hiệu quả sử dụng lao động và công nghệ vẫn chưa phải là yếu tố chính. Trong giai đoạn 2016-2020, mặc dù tỷ lệ đóng góp của vốn giảm xuống còn 54,49% và lao động giảm nhẹ còn 13,32%, TFP đã tăng lên đáng kể, đạt mức 32,19%.

Đồng thời phản ánh sự cải thiện trong hiệu quả sử dụng các yếu tố sản xuất, đồng thời cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ và quản lý hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đáng chú ý là giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ đóng góp của TFP tiếp tục tăng lên 33,04%, trong khi đó vốn và lao động lần lượt giảm còn 54,11% và 12,84%.

Như vậy cho thấy tỉnh Hà Tĩnh đã và đang chuyển dịch mạnh mẽ sang việc nâng cao hiệu quả sử dụng các yếu tố sản xuất thông qua cải tiến công nghệ và quản lý, thay vì chỉ dựa vào tăng cường đầu tư vốn và lao động. Cụ thể hơn, trong năm 2016, TFP đóng góp 30,68% vào GRDP, nhưng đến năm 2020, con số này đã tăng lên 33,40%. Tương tự, trong các năm từ 2021 đến 2023, đóng góp của TFP dao động từ 32,77% đến 33,39%. Sự tăng trưởng liên tục của TFP trong các năm này phản ánh những nỗ lực không ngừng của tỉnh Hà Tĩnh trong việc ứng dụng công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất và quản lý hiệu quả.

TS. Nguyễn Thị Hồng Nhâm - Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo kết quả thực hiện

Trong quá trình triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát đối với các doanh nghiệp, cá nhân là các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học... đã và đang thực hiện phát triển KH,CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài ra, đề tài cũng thực hiện khảo sát phỏng vấn sâu đối với một số nhà quản lý, cán bộ đang làm việc tại các Sở, ban, ngành của tỉnh Hà Tĩnh: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê tỉnh... nhằm tìm hiểu và nắm bắt hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển KH,CN và ĐMST tại Hà Tĩnh.

TS. Trần Mạnh Hùng Ủy viên phản biện 1, phản biện tại cuộc họp Hội đồng

Tìm hiểu thực trạng phát triển KH,CN và ĐMST tại Hà Tĩnh dựa trên các tiêu chí khác nhau; nhận diện được các rào cản đến sự phát triển KH,CN và đổi mới sáng tạo tại Hà Tĩnh; ghi nhận những kiến nghị của các nhà quản lý, chuyên gia và các đối tượng khác nhau để phát triển KH,CN và ĐMST và nâng cao đóng góp của KH,CN và đổi mới sáng tạo đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Thị Minh Tú, Giám đốc Trung tâm Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Sở  Khoa học và Công nghệ Nghệ An, ủy viên phản biện 2 phản biện tại cuộc họp Hội đồng

Sau 24 tháng thực hiện, đơn vị chủ trì đã hoàn thành các nội dung: Tổng hợp cơ sở lý luận về nâng cao nhân tố tổng hợp (TFP) trên nền tảng KH,CN và đổi mới sáng tạo; Kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nâng cao nhân tố tổng hợp (TFP) trên nền tảng KH,CN và đổi mới sáng tạo; Phương pháp và công cụ nâng cao nhân tố tổng hợp trên nền tảng KH,CN và ĐMST; đánh giá thực trạng (TFP) và đóng góp của KH,CN và đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh qua các năm và các giai đoạn 2016-2021; giải pháp nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030;

TS. Bùi Khắc Bằng, Phó Giám đốc Sở KH và CN - Chủ tịch Hội đồng thay mặt Hội đồng kết luận đề tài đã hoàn thành các nội dung theo hợp đồng, đạt yêu cầu đề ra đồng thời yêu cầu  đơn vị chủ trì tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng hoàn thiện Báo cáo tổng kết dự án giao nộp Sở Khoa học và Công nghệ theo quy định.

Các kết quả nghiên cứu của Đề tài luận giải rõ vai trò của việc nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp TFP, vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo tới tăng trưởng của tỉnh, đồng thời xác định các nhân tố ảnh hưởng, đo lường và đề xuất giải pháp, kế hoạch về nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp TFP trên nền tảng KH,CN và đổi mới sáng tạo. Đây là tài liệu tham khảo có ý nghĩa trong việc xây dựng các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Thanh Loan – Quỳnh Sơn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận