Phòng thí nghiệm Lý - Hóa, ĐH Quốc tế TPHCM
Mục tiêu mà đề ân đề ra là nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng quản lý, nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại của đội ngũ nhân lực KH&CN, hình thành lực lượng chuyên gia KH&CN trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đề án nêu rõ, sẽ đào tạo, bồi dưỡng khoảng 150 chuyên gia (giai đoạn 2016 - 2020) và khoảng 200 chuyên gia (giai đoạn 2021 - 2025) ở nước ngoài nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia KH&CN có trình độ chuyên môn sâu, có kỹ năng nghiên cứu và triển khai những vấn đề KH&CN của ngành, lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực và thế giới; tạo nguồn để phát triển thành nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư.
Song song với đó, sẽ đào tạo 50 nhóm nghiên cứu (giai đoạn 2016 - 2020) và khoảng 80 nhóm nghiên cứu (giai đoạn 2021 - 2025) ở nước ngoài nhằm hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có đủ năng lực giải quyết các nhiệm vụ KH&CN quan trọng của ngành, lĩnh vực.
Sẽ bồi dưỡng sau tiến sỹ cho khoảng 100 người (giai đoạn 2016 - 2020) và khoảng 200 người (giai đoạn 2021 - 2025) ở trong nước và nước ngoài để phát triển và hoàn thiện kỹ năng nghiên cứu và triển khai; tạo nguồn để hình thành chuyên gia trong các lĩnh vực KH&CN.
Ở cấp độ quản lý, sẽ tập trung bồi dưỡng khoảng 200 cán bộ (giai đoạn 2016 - 2020) và khoảng 300 cán bộ (giai đoạn từ 2021 - 2025) về kiến thức, kỹ năng quản lý KH&CN, quản lý đổi mới sáng tạo ở trong nước và nước ngoài.
Để thực hiện tốt các mục tiêu này, việc lựa chọn chuyên gia, cán bộ cũng được coi trọng. Ở cấp độ nghiên cứu, tuyển chọn các chuyên gia thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia do Bộ KH&CN ban hành đi đào tạo, bồi dưỡng thông qua làm việc có thời hạn hoặc triển khai nhiệm vụ nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu hoặc doanh nghiệp ở nước ngoài. Thời gian đào tạo, bồi dưỡng không quá hai năm, trường hợp đặc biệt cần kéo dài thời gian do Bộ trưởng Bộ KH&CN quyết định.
Với các nhóm nghiên cứu, việc đào đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thông qua triển khai nhiệm vụ nghiên cứu trong thời giankhông quá sáu tháng.
Với đối tượng sau tiến sỹ, việc tuyển chọn tập trung vào những người có trình độ tiến sỹ, đang làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học hoặc doanh nghiệp. Hình thức bồi dưỡng ở trong nước hoặc nước ngoài thông qua triển khai nhiệm vụ nghiên cứu với thời gian không quá 2 năm.
Ở cấp độ quản lý khoa học, tuyển chọn từ các cán bộ thuộc các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp, bồi dưỡng ở trong nước (kết hợp mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy) hoặc ở nước ngoài, thông qua các khóa học chuyên đề hoặc các hình thức thiết thực khác trong thời gian không quá ba tháng.
Theo: tiasang.com.vn