09:30 | 10-11-2021

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, tạo động lực nâng cao năng suất

Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, vừa diễn ra, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đức Hiển khẳng định, trong những năm qua, chủ trương, đường lối về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước đã được Đảng, nhà nước quan tâm, thực hiện xuyên suốt. Nội hàm, nội dung về CNH, HĐH đất nước không ngừng được bổ sung, hoàn thiện qua từng kỳ Đại hội Đảng.

Qua 35 năm đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay Việt Nam đã thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cải thiện và được đánh giá cao. Việt Nam trở thành đối tác hợp tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: VietnamPlus

Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến tích cực theo hướng CNH, HĐH; cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo; một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới; năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp tăng lên (theo UNIDO, xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam tăng từ vị trí 58 năm 2015 lên thứ 42 vào năm 2019), phát triển công nghiệp từng bước đi vào chiều sâu.

Tuy vậy, ông Hiển cũng cho biết, quá trình CNH, HĐH đất nước còn chậm, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp, việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực.

Nhận thức về phát triển nhanh (rút ngắn) quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chưa đầy đủ. Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước...

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương phân tích về những điểm nghẽn của nền công nghiệp Việt Nam. Nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu: năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra trong nước còn thấp, nền công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ tùng linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu…).

Nguồn nhân lực công nghiệp còn yếu kém: tỉ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, thiếu tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các cơ sở đào tạo, đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp công nghiệp còn thiếu kinh nghiệm cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, thiếu nền tảng lý thuyết khoa học về quản trị sản xuất, không có cơ hội tiếp cận với các phương pháp quản lý sản xuất hiệu quả.

Trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn thấp, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Rồi, nguồn lực xã hội chưa tập trung nhiều đầu tư vào sản xuất: bản chất của khu vực sản xuất đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn dài hạn, trong khi nguồn lực xã hội đầu tư vào sản xuất rất hạn chế do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác như bất động sản, tài chính.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng tiến bộ KHCN & ĐMST

Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt 25%, và đặt ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

“Mục tiêu đặt ra cho năm 2025 khá thách thức, đòi hỏi nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan, cũng như những đột phá về hệ thống chính sách hỗ trợ để có thể thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo một cách mạnh mẽ, để trong vòng 5 năm, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP tăng từ 16,7% năm 2020 lên 25% năm 2025”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.

Nhìn nhận thách thức trên, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, vấn đề đặt ra là Việt Nam cần nhận diện được bối cảnh và các xu thế lớn của CNH, HĐH trong thời đại ngày nay để có những tư duy và tiếp cận mới về CNH, HĐH. Có nhiều vấn đề lớn đặt ra như: việc phục hồi kinh tế sau đại dịch; yêu cầu bảo đảm độc lập tự chủ trong phát triển kinh tế; về xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh; cách thức để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực cũng phải thay đổi khi Việt Nam tham gia các FTA cũng như việc ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam nếu chúng ta quyết tâm đổi mới tư duy và xây dựng được chiến lược phát triển rút ngắn phù hợp.

"Để thực hiện được các mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ then chốt được Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định là 'đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo'", ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

Đưa ra giải pháp trong dài hạn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Việt Nam phải thực hiện CNH, HĐH với một tư duy mới và cách tiếp cận mới. Đó là chuyển đổi tư duy phát triển từ phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực, đẩy mạnh sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ, phục vụ cho nền công nghiệp nước nhà; chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu công nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất để trở thành động lực nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tầm quan trọng cuả việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất để trở thành động lực nâng cao năng suất. Ảnh: BCT

Quan trọng phải thực hiện CNH, HĐH đặt trong xu thế phát triển công nghiệp toàn cầu nhưng cũng phải phù hợp với hiện trạng phát triển và nền tảng công nghiệp trong nước. “Như vậy, hướng tiếp cận CNH, HĐH trong giai đoạn tới phải là vừa xây dựng nội lực trong nước về các công nghệ sản xuất nền tảng, vừa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (chủ yếu là công nghệ số) vào sản xuất nhằm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp”, Thứ trưởng cho biết.

Theo đó, trong thời gian tới định hướng chiến lược của Bộ Công Thương sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chính, thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo động lực cho phát triển công nghiệp bền vững, giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển công nghiệp.

Thứ hai, sử dụng hợp lý nguồn lực để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, trên nguyên tắc dựa trên lợi thế của đất nước, hình thành chuỗi cung ứng trong nước; nâng cao năng lực và tính chủ động của các địa phương, tăng cường liên kết giữa các địa phương, các vùng; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và mức độ thông minh.

Thứ ba, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp, chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn, với nhu cầu doanh nghiệp công nghiệp trong nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp công nghiệp hướng đến mô hình nhà máy thông minh, phát triển doanh nghiệp công nghiệp tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển đất nước.

Thứ tư, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI và thị trường toàn cầu nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm đưa doanh nghiệp công nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Vietq.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận