Phát triển thương hiệu gạo bản địa
Những năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Mặc dù sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức tăng trưởng khá, chiếm vị trí cao trên thị trường thế giới nhưng giá trị xuất khẩu trên đơn vị sản phẩm lại thấp. Một số doanh nghiệp đã bước đầu xây dựng thương hiệu gạo cho riêng mình nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường như Gạo Ngọc Đồng (của doanh nghiệp Gentraco), Hương Lúa (ITA Rice), Tứ Quý (ADC), gạo hữu cơ Hoa Sữa (Công ty Viễn Phú), gạo Bảy Núi (Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang), thương hiệu gạo thơm ST ở Sóc Trăng, gạo Nàng thơm Chợ Đào, Tám xoan Hải Hậu...
Theo Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ Tạ Việt Dũng, việc xây dựng thành công bản đồ công nghệ trong lĩnh vực chọn tạo giống lúa như một bức tranh toàn cảnh của ngành lúa gạo nước nhà, khi nhìn đó, chúng ta có thể thấy được chúng ta đang sản xuất những loại giống nào, năng suất, sản lượng bao nhiêu, áp dụng các loại công nghệ gì, ở đâu, trình độ so với thế giới như thế nào. Bản đồ này cũng đưa ra được những định hướng cần tập trung phát triển sản phẩm nào, phân khúc thị trường nào trong tương lai.
Khẳng định những tác dụng tích cực của bản đồ công nghệ trong lĩnh vực chọn tạo giống lúa, TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm cho biết, những nước xuất khẩu gạo thơm chất lượng cao hàng đầu hiện nay là Thái Lan, Ấn Độ hay Pakistan thì họ dựa rất nhiều vào các giống bản địa. Việt Nam cũng có rất nhiều giống bản địa với nhiều ưu điểm riêng nhưng thời gian qua chúng ta chưa chú ý khai thác, đưa vào bản đồ gen. Với bản đồ công nghệ, bao gồm bản đồ gene các giống lúa, sẽ giúp rút ngắn thời gian chọn tạo giống, cải thiện các giống bản địa theo hướng khắc phục nhược điểm, giữ lại các ưu điểm.
“Chẳng hạn, vừa rồi tập đoàn Lộc trời đã phát triển các giống gạo hạt dài ở Tây Ninh thành một loại gạo có tiềm năng xuất khẩu rất tốt, hạt gạo dài 8 mm, tương đương các loại gạo bản địa của Campuchia,” TS Đào Thế Anh dẫn chứng.
Đáng chú ý, theo TS Đào Thế Anh, nhiều giống lúa bản địa quý của Việt Nam đang có nguy cơ biến mất do không được khai thác hiệu quả. Việc xây dựng bản đồ gen về lâu dài có tác động tích cực cho kinh tế nông hộ, đặc biệt là nông họ nhỏ, vùng miền núi. Ở đây có nhiều giống bản địa quý nhưng đang ở dạng tiềm năng. Việc xây dựng bản đồ công nghệ sẽ giúp các giống bản địa đang ở dạng tiềm năng được đưa vào canh tác, trở thành các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, phát huy những giá trị quý, đồng thời cải thiện các nhược điểm của các giống bản địa, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo
Thực tế, việc áp dụng khoa học công nghệ cần phải được đẩy mạnh trong quá trình sản xuất, nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam. Theo TS Đào Thế Anh, việc xác định được từng vùng sản xuất có thế mạnh về mặt sinh thái của từng giống lúa của Việt Nam cần phải đặt đúng chỗ. Giống lúa nào trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long, giống lúa nào trồng ở Đồng bằng sông Hồng, tránh nhiều giống tạp nham hiện nay. Việc hoàn thành bản đồ công nghệ là tiền đề để chúng ta chọn tạo ra những giống lúa thuần chống chịu mặn - hạn thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, TS Đào Thế Anh cho rằng, cần gấp rút xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo. Bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo hiện hành được xây dựng từ những năm 1960, rất lạc hậu. Bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo xuất khẩu cần chi tiết cho từng loại gạo mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu để làm định hướng cho toàn bộ các chủ thể trong chuỗi giá trị có các mục tiêu phấn đấu. Bộ tiêu chuẩn này cũng sẽ giúp định hướng đầu tư công nghệ cho các tổ chức doanh nghiệp, hộ nông dân. Thực tế, tiêu chuẩn hạt gạo thấp như hiện nay thì không có động lực gì để doanh nghiệp, nông dân đầu tư đổi mới công nghệ.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo Việt Nam, TS Đào Thế Anh cho rằng, chúng ta phải thay đổi thể chế quản lý trong chiều dọc của chuỗi giá trị, từ khâu giống, khâu canh tác, tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp rồi thông qua thị trường KH&CN, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đồng bộ công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, bảo đảm hiệu quả, chất lượng sản phẩm. Việc sản xuất theo các tiêu chuẩn chúng ta làm khá tốt, tới đây các doanh nghiệp chế biến sau thu hoạch cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Phải đầu tư đồng bộ cả về công nghệ và thể chế quản trị trong toàn bộ chuỗi thì chúng ta mới có kết quả cuối cùng là hạt gạo có chất lượng, đủ điều kiện để đăng ký thương hiệu. Để làm được điều này, cần phải thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, cộng đồng địa phương có các giống bản địa tốt. Khi đó, thương hiệu gạo Việt Nam sẽ là mẫu số chung thúc đẩy các thương hiệu của doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào thị trường thế giới. Doanh nghiệp và nông dân cần nhất chiến lược đoàn kết, hợp tác để cạnh tranh với thế giới, chứ không phải cạnh tranh lẫn nhau. Nhà nước cần tạo cơ chế về chính sách, đặc biệt chính sách trao đổi đất, thuê đất mềm dẻo hơn; phát triển thị trường công nghệ, ưu đãi tín dụng cho nông nghiệp.
(daibieunhandan.vn)