Ba điểm nổi bật trong cải cách BHXH
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết quý I-2018, cả nước có 13,68 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 240.000 người tham gia BHXH tự nguyện (tổng cộng chiếm khoảng 30% lực lượng lao động trong độ tuổi); 11,8 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và 80,81 triệu người (86,1% dân số) tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT).
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2018, BHXH Việt Nam đã giải quyết cho hơn 2,1 triệu lượt người, trong đó: 28.306 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, 125.382 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; hơn 2 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; trên 39 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT. Năm 2017, chỉ số nộp thuế, BHXH của Việt Nam xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với năm 2016), góp phần đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với năm 2016).
Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách BHXH được (ban hành ngày 23-5-2018) đã xác định mục tiêu đến năm 2021 cả nước phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%; Đến năm 2025, các chỉ số tương ứng được nâng lên là khoảng 45%; khoảng 35% và 85%; Còn đến năm 2030 là khoảng 60%; khoảng 45% và 90%.
Bắt đầu từ 1-1-2018, có 3 điểm mới nổi bật đã được triển khai trong cải cách BHXH ở Việt Nam là: Chế độ BHXH bắt buộc cho người lao động (NLĐ) được mở rộng cho cả người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng và cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Đồng thời, NSNN thực hiện hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ (30% cho NLĐ thuộc diện hộ nghèo và 25% cho các đối tượng khác) trên mức đóng BHXH hàng tháng; với thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
Đặc biệt, những hành vi gian dối không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ từ 6 tháng trở lên không chỉ bị phạt hành chính (gồm cả cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm), và bị phạt tiền (từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng), mà còn bị xử lý hình sự theo Luật Hình sự 2015, với mức phạt cải tạo không giam giữ và phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tùy theo mức độ vi phạm…
Khi doanh nghiệp “thu hộ” phần BHXH mà người lao động phải đóng theo lương. Thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH và nguy cơ mất cân đối trong dài hạn Quỹ hưu trí và tử tuất chậm được cải thiện. Đến hết tháng 5-2018, cả nước mới thu được 36,7% kế hoạch thu cả năm và nợ đọng BHXH đã ở mức 10.450 tỷ đồng, tức 4,7% số phải thu.
Qua công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT, các cơ quan chức năng đã phát hiện 56.700 lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, nhưng chưa tham gia, hoặc đóng thiếu thời gian, đóng không đúng mức quy định với số tiền phải truy đóng là 65,4 tỉ đồng. Nợ đọng cao về BHXH là hậu quả tổng hợp trực tiếp và gián tiếp không chỉ từ ý thức và thực tế hoạt động kinh doanh kém của DN, mà còn từ sự buông lỏng trách nhiệm và hiệu lực thực tế quản lý nợ đọng BHXH; Thậm chí, có nhiều dấu hiện cho thấy cơ quan quản lý nhà nước và NLĐ còn tư tưởng “hữu khuynh”, ngại va chạm và lúng túng trong hành động, thường nghiêng về chỉ dùng biện pháp đôn đốc, thanh tra, thuyết phục và gia hạn nộp, công khai tên DN nợ đọng BHXH…; mà thiếu đi sự nhận thức đày đủ, sâu sắc, sự chỉ đạo và hành động quyết liệt, tập trung; sự hướng dẫn cụ thể và sự phối hợp cần thiết giữa các bên liên quan trong việc chuẩn bị hồ sơ, thanh tra và khiếu nại, khởi kiện dân sự, khởi tố hình sự do nợ BHXH theo Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật BHXH và Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn... nhất là khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn.
“Trăm dâu đổ đầu tằm”, NLĐ thường bất lực và là bên chịu thiệt thòi trực tiếp nhất khi bị DN nợ hoặc không được đóng BHXH, nhất là khi DN vẫn “thu hộ” phần BHXH mà NLĐ phải đóng theo lương, nhưng DN lại không nộp và “chốt sổ” BHXH theo quy định. NLĐ không có lương hưu làm tăng áp lực bảo đảm an sinh xã hội và phải gánh chịu thiệt thòi nhiều mặt cho bản thân NLĐ và người thân liên quan do thường bị mất đi các khoản chi phí hỗ trợ BHYT sau hưu, trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng cho người thân nếu đủ điều kiện...
BHXH là trụ cột an sinh xã hội
Cải cách và phát triển BHXH vì quyền lợi NLĐ là trọng tâm chính sách xã hội, gắn phát triển con người song hành với phát triển kinh tế, thể hiện bản chất ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.
Bởi vậy, cải cách BHXH cần được thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao và với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị. Các cơ quan chức năng, ngành BHXH và tổ chức công đoàn cần chủ động phối hợp cải cách chính sách và tăng cường quản lý BHXH theo hướng mở rộng diện bao phủ, đa tầng và đa dạng hóa các mức đóng-hưởng BHXH cho các nhóm đối tượng phù hợp; theo nguyên tắc “có đóng - có hưởng, chia sẻ và bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của các bên: Cơ quan quản lý Nhà nước, Quỹ - cơ sở khám chữa bệnh, doanh nghiệp-người dân, người lao động”; Gắn cải cách BHXH với cải cách tiền lương, thị trường lao động, cơ chế quản lý Quỹ BHXH theo lộ trình phù hợp khả năng kinh tế và NSNN, không gây sốc xã hội, bảo đảm an toàn Quỹ BHXH, nhất là Quỹ hưu trí và phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế; Nâng cao tính hấp dẫn, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân, cũng như các chủ thể tham gia BHXH.
Đồng thời, cần nghiên cứu các giải pháp cụ thể để đáp ứng yêu cầu vừa mở rộng đối tượng hưởng chế độ BHXH một lần cho người đóng mắc các trọng bệnh nguy hiểm rút ngắn tuổi thọ, vừa phải làm giảm quy mô số lượt người nhận BHXH một lần do thiếu thời gian tham gia hoặc do việc làm thiếu ổn định, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động; tăng thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan BHXH trong việc tuân thủ pháp luật, ngăn chặn trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH, bảo đảm sự đồng thuận, ổn định chính trị và tiến bộ, công bằng xã hội, chất lượng đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.