03:55 | 26-07-2015

Bất thường trong quy trình điều động Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

"Quýt làm cam chịu"

Vừa qua, trên một số cơ quan báo chí “rộ lên” nghi vấn về các sai phạm của ông Cục phó và Chánh văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) từ thời kỳ trước năm 2011 (nhiệm kỳ của ông Cục trưởng cũ).

Thông tin về vấn đề này, ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định: “Các báo chủ yếu nêu các sai phạm của Cục phó và Chánh văn phòng và cũng không phản ánh gì liên quan đến cá nhân tôi. Tôi không liên quan, bởi tôi được bổ nhiệm Cục trưởng từ tháng 9/2011, còn các nghi vấn sai phạm đều từ nhiệm kỳ trước đó”.

Cho đến thời điểm này, những nghi vấn sai phạm của ông Cục phó và Chánh văn phòng vẫn chưa được Bộ KH&CN cùng các cơ quan chức năng làm rõ, nhưng không biết vì “sức ép” gì hay có động cơ nào khác mà Bộ KH&CN đang “hỏa tốc” tiến hành các thủ tục điều chuyển Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Tạ Quang Minh đi sang làm công việc khác khi không rõ nguyên nhân điều động, luân chuyển.

Việc này đã “gây sốc” đối với bản thân ông Tạ Quang Minh, một nhà khoa học , Cục trưởng ở một cơ quan Bộ có uy tín đối với giới khoa học cả nước, dẫn đến nghi ngại trong dư luận ông Minh có sai phạm nên bị điều động, luân chuyển.

Trao đổi với PV về việc này, Luật sư Trần Viết Hưng - Trưởng Văn phòng Luật sư Công lý Hà Nội cho rằng,  Bộ KH&CN cần thận trọng trong các quy trình điều động, luân chuyển trường hợp ông Tạ Quang Minh, nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, dẫn đến nghi vấn kiểu “quýt làm cam chịu”, gây tổn hại đến uy tín, thanh danh của một nhà khoa học.

Đồng thời, nếu Bộ KH&CN vẫn tiến hành làm “hỏa tốc” như hiện nay sẽ dẫn đến việc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ chính trị và các quy định khác về điều động và luân chuyển cán bộ.

Vi phạm quy định của Bộ chính trị

Bất thường trong quy trình điều động Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ
Trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ .


Theo Luật sư Trần Viết Hưng, điều bất thường lớn nhất trong quy trình điều động, luân chuyển Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ được thể hiện trong công văn của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ KH&CN. Cụ thể, có một số vi phạm như sau:

Thứ nhất, ngày 30/7/2013, Ban cán sự Đảng Bộ KH&CN ban hành Nghị quyết số 41/NQ-BCS (do Bộ trưởng Nguyễn Quân ký), trong đó có nêu rõ là sau ngày 31/12/2014, Ban cán sự Đảng Bộ KH&CN sẽ đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết và xem xét trách nhiệm của tập thể và cá nhân ở Cục Sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, trong khi Ban cán sự Đảng Bộ chưa tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thì ngày 19/11/2014 Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ lại ký công văn yêu cầu Đảng ủy và lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ phải họp liên tịch để báo cáo về nội dung điều động Cục trưởng lên lãnh đạo Bộ trong ngày 20/11/2014.

Sự việc này đặt ra nghi vấn, tại sao một công việc có liên quan đến lãnh đạo cao nhất của một Cục, mà ngày hôm trước Bộ ra văn bản, ngày hôm sau yêu cầu Đảng bộ Cục ra quyết định. Việc thuyên chuyển Cục trưởng này liệu có nhằm bao che cho các hành vi sai phạm, tiêu cực đã xảy ra tại Cục trước đây?

Thứ hai, trong khi ông Tạ Quang Minh là người đã phát hiện và đang cùng với cán bộ công nhân viên tiến hành kiểm điểm tập thể và các cá nhân có hành vi tiêu cực, tham nhũng tại Cục Sở hữu trí tuệ (ở nhiệm kỳ trước) theo kết luận của Cơ quan điều tra C46 – Bộ Công an; và hiện nay đang chờ đợi thanh tra theo yêu cầu của Cục, ông Minh là người đứng đầu Cục, có trách nhiệm báo cáo, giải trình với các cơ quan chức năng để làm rõ sự việc, thì Bộ lại tiến hành việc điều chuyển cán bộ sang đơn vị khác.

Thứ ba, tại Điều 18, Quyết định số 68-QĐ/TW, ngày 4/7/2007 của Bộ chính trị đã quy định: Việc điều động và luân chuyển cán bộ thì Ban cán sự đảng, lãnh đạo cơ quan, phải căn cứ vào quy hoạch cán bộ, nhu cầu công tác và năng lực, sở trường của cán bộ để lập danh sách cán bộ điều động và luân chuyển và biện pháp thực hiện cụ thể với từng cán bộ.

Trước khi quyết định điều động, luân chuyển, lãnh đạo cấp có thẩm quyền cần gặp gỡ cán bộ, nói rõ mục đích, sự cần thiết của việc điều động, luân chuyển để nghe cán bộ phát biểu, đề xuất ý kiến; trao đổi với cơ quan, đơn vị nơi có cán bộ đi và nơi có cán bộ đến.

Tuy nhiên, theo lời ông Tạ Quang Minh, trước đó Bộ trưởng Nguyễn Quân đã gặp ông Minh và thông báo sẽ chuyển ông Minh sang đơn vị khác, nhưng lại không cho ông Minh giải trình hay trao đổi gì. Đây là một việc làm có dấu hiệu vi phạm nghiêm trong Quyết định điều động và luân chuyển cán bộ của Bộ chính trị đã được ban hành.

Thứ tư, một điều bất thường cũng được lưu tâm, trong lúc Bộ trưởng Nguyễn Quân đang đi công tác nước ngoài từ ngày 23/11/2014 thì ở Việt Nam, theo công văn hỏa tốc ngày 21/11/2014, Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ KH&CN yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ họp gấp để bàn việc điều chuyển Cục trưởng đi nơi khác.

Sẽ chấp hành lệnh điều động nhưng phải rõ ràng

Ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, công chức nhà nước, hơn nữa bản thân ông đang giữ vị trí Cục trưởng thuộc Bộ có uy tín với giới khoa học trong và ngoài nước, ông mong muốn Bộ KH&CN cần làm rõ, kiểm điểm tập thể và các cá nhân có hành vi tiêu cực, tham nhũng để dư luận được biết trước khi thực hiện điều động, luân chuyển ông, ông Minh sẵn sàng chấp hành lệnh điều động của Bộ trưởng khi làm rõ được những vấn đề trên.

Luật sư Trần Viết Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Công lý Hà Nội kiến nghị, để thực thi đúng pháp luật về công tác điều động, luân chuyển cán bộ, giữ được niềm tin trong cán bộ, công chức của Bộ KH&CN, các cơ quan chức năng cần kiểm điểm, làm rõ các sai phạm của cá nhân, tập thể liên quan trước khi điều động, luân chuyển.

Theo Luật sư Hưng, giải quyết công việc liên quan đến công tác tổ chức cán bộ phải “có lý, có tình” để cán bộ được luân chuyển tâm phục, khẩu phục. Xứng đáng là cơ quan Bộ có uy tín với giới trí thức, nhà khoa học trong và ngoài nước được nhân dân tin yêu.

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận