07:26 | 07-06-2022

Bột giặt OMO giả mạo nhãn hiệu tràn lan, thận trọng khi lựa chọn

Theo tin tức từ Tổng Cục Quản lý thị trường, trong khi đang dừng đỗ tại tuyến đường liên xã Ngọc Linh đi xã Bạch Ngọc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, xe ô tô tải biển kiểm soát 21C-030.97 bất ngờ bị Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Hà Giang kiểm tra. Tham gia Đoàn kiểm tra lúc này còn có đại diện UBND xã Ngọc Linh và Công an huyện Vị Xuyên.

Tại thời điểm khám trên phương tiện này đang vận chuyển 614 gói bột giặt có nhiều dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu OMO của Công ty Quốc tế Unilever Việt Nam. Điều khiển phương tiện là ông Vương Kim Tuấn.

Thận trọng khi mua và sử dụng bột giặt OMO để tránh hàng giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: Quyên Lưu

Sau quá trình đấu tranh, lực lượng chức năng được biết chủ lô hàng là ông Vương Kim Nhung. Làm việc với lực lượng chức năng, ông Nhung không xuất trình được hoá đơn chứng từ và giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc của lô hàng. Toàn bộ lô hàng bị Đội QLTT số 2 tạm giữ để tiếp tục xác minh làm rõ. Đội QLTT số 2 đã tiến hành lập hồ sơ và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để xác minh làm rõ.

Trước đó, Đội QLTT số 5 thuộc Cục QLTT tỉnh Tiền Giang kiểm tra, phát hiện hơn 200 gói bột giặt giả mạo nhãn hiệu OMO tại huyện Cái Bè, Tiền Giang.

Theo lực lượng chức năng số lượng bột giặt này được bày bán tại 02 hộ kinh doanh tạp hóa trên địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, Đội trưởng Đội QLTT số 5 đã xử phạt các trường hợp vi phạm với số tiền gần 25 triệu đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh Tiền Giang, Đội QLTT số 5 tiến hành thẩm tra, xác minh thông tin về dấu hiệu vi phạm của 02 hộ kinh doanh tạp hóa tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang theo Đơn yêu cầu của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.

Cụ thể, Đội QLTT số 5 đột xuất kiểm tra tại địa điểm kinh doanh của 02 cơ sở này, phát hiện 01 cơ sở không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định. Ngoài ra, tại các cơ sở đang buôn bán 206 gói bột giặt loại 400g/gói, 800g/gói và 3 kg/gói có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu OMO của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã được bảo hộ. Đội QLTT số 5 tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để xác minh làm rõ, tổng trị giá hàng hóa hơn 7 triệu đồng.

Qua làm việc, hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc, Đội trưởng Đội QLTT số 5 ra các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 trường hợp vi phạm nêu trên với tổng số tiền 23.500.000 đồng, về hành vi buôn bán bột giặt giả mạo nhãn hiệu, không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký thành lập hộ kinh doanh và buộc tiêu hủy toàn bộ 206 gói bột giặt vi phạm. Đội QLTT số 5 đã giám sát các cơ sở tiêu hủy hàng hóa theo quy định.

Trước tình trạng bột giặt OMO giả đang được vận chuyển, buôn bán tràn lan, đại diện của Unilever Việt Nam, đơn vị sản xuất bột giặt Omo tại 233 Nguyễn Trãi (Hà Nội) khuyến cáo tới người tiêu dùng những đặc điểm để phân biệt thật giả.

Cụ thể: OMO thật có “dấu chìm” quanh bao bì với dòng chữ: “Unilever Việt Nam – Bảm đảm hàng thật”. Chỉ cần nhìn nghiêng sẽ thấy được “dấu chìm” này. Omo giả không có “dấu chìm".

Tại phần giới thiệu về công ty sản xuất, OMO giả ghi: Sản phẩm của công ty liên doanh Unilever Việt Nam trong đó OMO thật ghi: Sản phẩm của công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.

Các họa tiết, nét chữ trên sản phẩm OMO thật được in sắc nét, khác hẳn với sản phẩm nhái OMO giả. Giá và ngày sản xuất trên bao bì: Sản phẩm thật có giá thấp hơn và mực in có màu nâu đậm.

Trước thực trạng trên, đại diện của Unilever Việt Nam cũng khuyến cáo người tiêu dùng mua các sản phẩm tại các địa chỉ tin cậy, siêu thị, các đại lý chính thức của công ty để mua được hàng thật.

Theo vietq.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận