Hàng giả nhưng bán giá thật
Thời gian qua, vụ việc biến hình rau "dởm" vào siêu thị được dán nhãn VietGAP chưa kịp lắng xuống thì mới đây, đầu tháng 11, Tổng cục Quản lý thị trường cùng các cơ quan chức năng liên quan đã kiểm tra, phát hiện nhiều hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square (số 77-89 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM).
Cụ thể, trong ngày 1/11, gần 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton... đã được phát hiện tại “thiên đường mua sắm” Saigon Square. Đến ngày 2/11, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường thêm quân số để kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa tại Trung tâm này.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, tồn tại hơn 20 năm, các hộ kinh doanh ở đây có đủ chiêu trò để đối phó với cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, hạn chế việc kiểm tra. Đây cũng là nơi làm giàu của nhiều hộ kinh doanh bởi “siêu lợi nhuận” từ việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Điều đáng nói, đây không phải vụ việc đầu tiên phát hiện hàng giả, hàng nhái tại trung tâm thương mại, siêu thị. Những vụ việc này là minh chứng cho thấy công tác kiểm soát đầu vào của các siêu thị, trung tâm thương mại vẫn là dấu hỏi lớn. Tại sao một số lượng lớn hàng giả, hàng nhái vẫn “lọt” vào các trung tâm thương mại, siêu thị dù đã trải qua sự kiểm tra của các cơ quan quản lý và kiểm soát nội bộ? Ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng nêu trên?
Chị Thanh Thanh (trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Tôi chấp nhận mua rau trong siêu thị đắt hơn ngoài chợ vì nghĩ đến cái giá của sức khỏe. Rau trong siêu thị thường đắt gấp ba, bốn lần rau ngoài chợ. Còn mua hàng hóa trong trung tâm thương mại thường đắt gấp cả chục lần so với hàng ngoài. Có những chiếc túi bên ngoài giá chỉ vài trăm nghìn, nhưng khi vào trung tâm giá lên đến cả triệu. Người thiệt ở đây vẫn là người tiêu dùng”.
Bất chấp vi phạm vì lợi nhuận
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, chính lợi nhuận cao đã khiến các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất chấp pháp luật, thu lợi về túi và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng... Hơn nữa, những vụ việc này không chỉ mới xảy ra mà đã diễn ra nhiều năm nay, chỉ là thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn và nhiều vụ việc lớn hơn bị phát hiện. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, phát hiện và xử lý rất nhiều vụ việc quy mô lớn.
Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, buôn bán chủ yếu là “mua đứt bán đoạn” nên sẽ khó tìm người chịu trách nhiệm đến cùng với giá cả và chất lượng sản phẩm, bán sang tay là xong. Bên cạnh đó, kỷ luật thị trường của chúng ta vẫn còn lỏng lẻo, chế tài không đủ sức răn đe. Tại một số nước, chế tài xử phạt nặng để không dám vi phạm nữa, nhưng chúng ta là “phạt để tồn tại” nên vẫn xảy ra tình trạng vi phạm.
Trong khi đó, để hàng hóa vào được các siêu thị, trung tâm thương mại phải trải qua cả “rừng” quy trình kiểm tra ngặt nghèo từ các cơ quan có liên quan. “Chính là con người để lọt hàng giả, hàng nhái, thậm chí tiếp tay để hàng giả, hàng nhái lộng hành”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Vũ Vinh Phú cũng khẳng định rằng: “Cần làm trong sạch đội ngũ chống buôn lậu trước khi chống buôn lậu”.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, chúng ta không thể tránh tuyệt đối vấn đề vi phạm, nhưng nếu vi phạm do vô tình, không cố ý, sơ xuất nhỏ thì hoàn toàn có thể thông cảm được, doanh nghiệp sẽ phải tự khắc phục và thay đổi. Tuy nhiên, đối với dạng vi phạm nêu trên lại đặc biệt nghiêm trọng, cố ý vi phạm, cần phải có những chế tài thực sự nghiêm khắc, thậm chí chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp vi phạm. Đó cũng là cơ sở để các doanh nghiệp, cá nhân khác nhìn vào. Còn nếu cứ vi phạm rồi vẫn hoạt động bình thường, vài hôm sự việc lại “chìm xuồng”, doanh nghiệp lại có các chiêu trò tiếp thị, đánh bóng tên tuổi thì mọi thứ lại trở về như lúc ban đầu.
Theo vietq.vn