1. Sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 Chương, 80 Điều. Việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật là hoạt động cần thiết, nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn gần 12 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2011, đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ phát triển mới để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, thích ứng với môi trường kinh doanh mới.
Nhiều Luật mới liên quan đến các khía cạnh trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đã được ban hành hoặc sửa đổi bổ sung để tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, với sự phát triển của khoa học và công nghệ cũng như sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 đã làm xuất hiện và thúc đẩy sự phát triển của nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số...
Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010. Thực tế cho thấy, việc sửa đổi Luật sẽ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh; đồng thời, hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch.
2. Một số góp ý về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng
2.1. Quyền của người tiêu dùng
Nhìn chung, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) khá đầy đủ, chi tiết, cập nhật một số quy định mới, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân, với vai trò là người tiêu dùng tôi nhận thấy, các quy định cần chi tiết hơn nữa, nhất là các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng.
Một trong những vấn đề mà người tiêu dùng rất quan tâm và cần có các quy định trong dự thảo Luật đó là vấn đề hậu mãi, bảo hành sản phẩm. Thực tế, vấn đề mua bán đồ gia dụng, hàng điện tử, điện lạnh... vẫn còn bất cập khiến người tiêu dùng băn khoăn, đó là lúc bán hàng thì giới thiệu rất hay, nào là chế độ bảo hành, quan tâm đến hậu mãi nhưng khi khách mua về dùng hàng có vấn đề trục trặc, bị lỗi thì liên hệ với bên bán rất khó khăn, đi lại nhiều lần, thậm chí người tiêu dùng khi bảo hành lại phát sinh thêm tiền sửa chữa... Do vậy, cần có các quy định cụ thể về quyền của người tiêu dùng về hậu mãi, bảo hành và trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với vấn đề hậu mãi, bảo hành; cần có mức xử lý khi tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm về hậu mãi, bảo hành...
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có quyền được sử dụng sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn. Điển hình như hiện nay tình trạng đồ uống phi chính thức như: rượu không rõ nguồn gốc, rượu do dân tự nấu, rượu không được kiểm soát... mua bán trôi nổi trên thị trường đang là vấn đề nhức nhối của xã hội và cơ quan chức năng. Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu methanol (rượu pha cồn công nghiệp) làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người tiêu dùng, thậm chí có những trường hợp tử vong.
Ví dụ như tâm lý của người tiêu dùng khi đi ăn cỗ hiếu hỷ hay ăn uống tại các nhà hàng, quán ăn đều cảm thấy lo lắng, bất an về sự an toàn của loại rượu mình đang được mời uống vì đó đa phần là rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, trong Dự thảo Luật cần thêm quy định về trách nhiệm của người mời, tổ chức các bữa tiệc, của nhà hàng bởi vì bản thân họ phải chịu trách nhiệm việc lựa chọn loại rượu có nguồn gốc, nhãn mác nhằm đảm bảo an toàn cho khách. Đồng thời cần có chế tài, quy định cụ thể về xử lý người bán hàng để xảy ra ngộ độc rượu methanol dẫn tới tử vong.
Tiếp đó, các quy định cần sát với tình hình thực tế, nhất là hình thức mua bán qua mạng xã hội, qua điện tử. Bởi nhiều khách hàng mua qua mạng xã hội nhưng nhận phải hàng dởm, hàng kém chất lượng, bị lừa đảo.
Cần có quy định bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng gian lận thương mại như đổ xăng thiếu cho khách, cân không đủ, cân sai trong mua bán thực phẩm, tình trạng “chặt chém” khách du lịch với giá quá cao so với thực tế khi tham gia các dịch vụ ăn uống...
Cần có chế tài xử lý những trường hợp người bán hàng, nhân viên làm trong các hệ thống siêu thị, cửa hàng lấy thông tin cá nhân của người tiêu dùng để phục vụ cho mục đích khác, ví dụ như bán thông tin người tiêu dùng, hoặc lấy hình ảnh của người tiêu dùng để làm những điều xấu... Ngày nay, với chiếc căn cước công dân là có đủ các thông tin cá nhân, nhưng khi người tiêu dùng mua hàng trả góp ngoài việc cung cấp căn cước công dân, siêu thị còn yêu cầu chụp ảnh người tiêu dùng, như vậy có cần thiết không hay là một cách lấy thông tin cá nhân?
2.2. Nghĩa vụ của người tiêu dùng
Dự thảo Luật đề cập nhiều tới quyền lợi của người tiêu dùng mà ít nói tới nghĩa vụ, trách nhiệm của người tiêu dùng, quyền lợi của người tiêu dùng luôn đi kèm với nghĩa vụ, trách nhiệm bởi trong giao dịch mua bán đều bình đẳng, hai bên đều phải có quyền và nghĩa vụ để tránh những trường hợp người tiêu dùng lợi dụng quyền của mình để vụ lợi cá nhân, vi phạm pháp luật. Do vậy, ban soạn thảo Dự án Luật nên bổ sung quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của người tiêu dùng, cụ thể như sau:
Người tiêu dùng phải trung thực trong giao dịch mua bán, không phản ánh thông tin lỗi sản phẩm sai sự thật, không lợi dụng quyền lợi của người tiêu dùng để vụ lợi, làm phương hại đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân kinh doanh...
Người tiêu dùng cần có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu, doanh nghiệp, không lợi dụng quyền lợi của mình để làm những việc trái với pháp luật, ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp.
Một người dân không phải là người trực tiếp mua và sử dụng sản phẩm nào đó nhưng lại kêu gọi cộng đồng mạng tẩy chay một sản phẩm, thương hiệu đó thì sẽ bị xử lý như thế nào? Có đưa vào trong Luật này hay không? Những facebooker, người nổi tiếng kêu gọi tẩy chay một sản phẩm nào đó thì có vi phạm hay không?
Về quyền của người tiêu dùng (Điều 16), trong thời gian qua đã có một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh, ví dụ như thông tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chính vì vậy, để hạn chế cũng như ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng, đề nghị bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
Dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể và rõ hơn, nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa khi giao dịch trên môi trường không gian mạng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các bên, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh; bổ sung các quy định về việc giao dịch trên môi trường mạng cần áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật nào có liên quan. Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Về đảm bảo an toàn thông tin của người tiêu dùng, đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.
Trong dự án Luật cũng cần quy định rõ hơn về sự cần thiết phải có sự đồng ý của người tiêu dùng khi cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lưu trữ, trao đổi trong giao dịch thương mại điện tử. Việc làm này cũng là để giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng khi có bên thứ 3 sử dụng thông tin của họ không đúng mục đích.
Về xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nên cụ thể hóa về mức phạt, mức xử lý khi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Theo vietq.vn