Phát biểu tại Hội thảo “An toàn thông tin trong chuyển đổi số - thách thức và giải pháp", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trung bình mỗi năm, mỗi người trên toàn cầu bị 3 - 4 cuộc tấn công mạng. Do đó, muốn an toàn trên không gian mạng thì phải ý thức về sự không an toàn bởi càng ý thức cao về sự không an toàn thì càng an toàn.
Hiện Việt Nam đang có 90 triệu máy điện thoại thông minh, hàng chục triệu PC, laptop, máy tính bảng. Nhưng đa số các thiết bị cá nhân này chưa được cài phần mềm bảo vệ. Bên cạnh đó là gần 3 triệu camera nhưng phần lớn chưa được đánh giá an toàn thông tin và chưa được cài đặt chức năng bảo mật. Do đó đã có những hình ảnh riêng tư bị lộ lọt trên mạng.
“Trên thế giới, đang có 60% dự án phát triển phần mềm áp dụng quy trình Phát triển - An toàn thông tin - Vận hành. Còn ở Việt Nam, con số này thấp hơn nhiều. Vì vậy còn rất nhiều những lỗi lập trình sơ đẳng đã gây mất an toàn thông tin nghiêm trọng. Nếu những phần mềm này là các nền tảng số quốc gia thì hậu quả là rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện tình trạng lừa đảo trực tuyến đã tăng mạnh trong giai đoạn Covid-19 vừa qua. Thế giới có hơn 2 triệu website lừa đảo. Ở Việt Nam, từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021, Cục An toàn thông tin đã phát hiện và xử lý 816 website lừa đảo giả mạo ngân hàng.
Mặc dù vậy, muốn an toàn thì phải dùng nhiều hơn chứ không phải không dùng hay dùng ít đi. Lộ lọt thông tin vẫn có thể xảy ra. Nhưng cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro là tăng cường sử dụng công nghệ số chứ không phải là không dùng. Vì người Việt không thể không dùng và cũng phải thông qua dùng thì vấn đề mới bộc lộ ra và từ đó mà hoàn thiện.
Các quốc gia phát triển có khả năng chống đỡ tốt hơn là vì họ đã sử dụng sớm hơn, vấn đề bộc lộ sớm hơn và hệ thống được hoàn thiện sớm hơn. Đi đầu về sử dụng công nghệ số và luôn quan tâm đến an toàn thông tin mới là cách tiếp cận đúng. Sợ hãi mà không dùng thì tụt hậu, nỗi sợ thì vẫn còn đó và ngày một lớn hơn.
Muốn an toàn thì cũng phải chấp nhận rủi ro. Không có rủi ro bằng không, chỉ có quản lý rủi ro để rủi ro ở mức chấp nhận được. Quản lý rủi ro cũng kèm theo chi phí, rủi ro thấp đi với chi phí cao. Bởi vậy luôn phải có câu chuyện tính toán cấp độ an toàn thông tin phù hợp cho từng hệ thống công nghệ thông tin. Đây là câu chuyện mang tính toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: VietnamPlus)
Theo Bộ trưởng, đã có con số gợi ý về chi phí cho an toàn thông tin là 10% của tổng chi cho hệ thống công nghệ thông tin. Bộ TT&TT đã đưa ra khuyến nghị về mô hình 4 lớp để bảo vệ hệ thống công nghệ thông tin, bao gồm nhân lực tại chỗ, bảo vệ của doanh nghiệp chuyên trách về an toàn thông tin, kiểm tra tuân thủ của doanh nghiệp kiểm toán an toàn thông tin và giám sát của Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số quốc gia là toàn dân và toàn diện, là tất cả các ngành, lĩnh vực và mọi người dân. Vì vậy, thị trường là vô cùng rộng lớn, là cơ hội cho các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng phát triển. Bảo vệ Việt Nam thì tốt nhất vẫn là vũ khí Việt Nam và theo cách Việt Nam. Người Việt Nam có cảm thấy an toàn khi chuyển đổi số hay không là phụ thuộc vào các nền tảng số Việt Nam có độ an toàn cao, phụ thuộc vào sự bảo vệ của các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam.
Muốn an toàn thì mọi phần mềm, mọi nền tảng số quốc gia phải được phát triển an toàn, được đánh giá an toàn và được sử dụng an toàn. An toàn phải được xuất hiện trong mọi khâu, từ phát triển đến đánh giá và sử dụng. Không được coi nhẹ ở bất cứ khâu nào. Tất cả các khâu này phải tuân theo các chuẩn về an toàn thông tin.
"Cục An toàn thông tin của Bộ TT&TT phải ban hành các chuẩn này và tổ chức đánh giá. Chúng ta cũng đã chủ động thêm một khâu nữa, đó là Bug Bounty, tức là kêu gọi các chuyên gia tiếp tục phát hiện lỗ hổng bảo mật sau khi đã đưa phần mềm vào sử dụng. Hàng năm, Việt Nam sẽ vinh danh Top 50 chuyên gia bảo mật có đóng góp cho việc phát hiện lỗ hổng bảo mật của các nền tảng số quốc gia", Bộ trưởng nói.
Muốn an toàn thì các nền tảng số đang trong giai đoạn phát triển nhưng đã thu thập dữ liệu cá nhân phải được ứng xử như một nền tảng đã đưa vào sử dụng. Tức là thử phải như thật. Về an toàn dữ liệu thì phải đặc biệt đảm bảo an toàn cho các dữ liệu thay đổi, tức là các dữ liệu cá nhân được sinh ra từng ngày, từng giờ. Muốn an toàn thì phải hợp tác quốc tế. Bởi vì, Internet, không gian mạng là toàn cầu. Chỉ có sự chung tay toàn cầu thì không gian mạng mới an toàn.
"Cơ hội chuyển đổi số, cũng giống như bất kỳ cơ hội nào, chỉ mang tính thời điểm, nếu không nắm bắt nó sẽ qua đi. Trong 3 năm, 5 năm tới đây sẽ là giai đoạn quyết định thành bại của quá trình chuyển đổi số quốc gia. An toàn thông tin mạng là điều kiện tiền đề để chuyển đổi số thành công. Sứ mệnh bảo đảo an toàn thông tin mạng cho chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được trao cho Bộ TT&TT, Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam, các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ số, các chuyên gia an toàn thông tin. Chúng ta hãy cùng chung tay bảo đảm không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh“, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo vietq.vn