Sản phẩm của gia đình chị Trần Thị Hiền (thôn Anh Hùng), cùng 5 hộ trồng cam của xã Thượng Lộc được chọn tham dự lễ hội.
Ông Nguyễn Mạnh Tường – Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh (đơn vị thường trực tổ chức lễ hội) cho biết, để chuẩn bị cho lễ hội, từ nhiều tháng nay, các đơn vị, địa phương đã tập trung cao cho công tác tuyên truyền, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo. Yêu cầu của lễ hội là phải mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp, cơ sở trồng, SXKD cam và nông sản. Lễ hội phải tạo được dấu ấn và bản sắc riêng của con người, quê hương Hà Tĩnh.
“Đến thời điểm này, các công việc “hậu cần” chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất. Quy mô dự kiến khoảng 100 gian hàng, trong đó, cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh dự kiến 60 gian, 40 gian còn lại trưng bày các loại sản phẩm khác như: Vật tư nông nghiệp và giống cây trồng; triển lãm NTM, khoa học công nghệ; sản phẩm văn hóa và sách khoa học nông nghiệp; sản phẩm nông nghiệp - nông thôn tiêu biểu; ẩm thực, giải khát và gian hàng các tỉnh bạn” – ông Tường thông tin thêm.
Bên cạnh công tác chuẩn bị khẩn trương, chu đáo của các đơn vị tổ chức, các chủ trang trại cam - “nhân vật” chính của lễ hội cũng rất háo hức, vui mừng và đặt nhiều kỳ vọng khi tham gia lễ hội.
Hồng Đông Lộ (Thạch Đài - Thạch Hà) có vị giòn, ngọt đặc trưng mà những vùng miền khác không có được.
“Cam Thượng Lộc có chất lượng thơm ngon, ngọt, màu sắc đẹp. Thông qua lễ hội này, chúng tôi hy vọng sẽ được quảng bá, giới thiệu hình ảnh về sản phẩm cam của địa phương đến với người tiêu dùng cả nước và nước ngoài” - chị Trần Thị Hiền (ở thôn Anh Hùng, 1 trong 6 hộ trồng cam của xã Thượng Lộc - Can Lộc) được chọn tham dự lễ hội phấn khởi nói.
Còn anh Bùi Đình Hà, chủ trang trại cam hơn 1.000 gốc ở xã Sơn Thọ (Vũ Quang) thì cho rằng, đây không chỉ là sân chơi, là cuộc thi về chất lượng mà còn là cơ hội cho các chủ trang trại, vườn cam và nhà khoa học trong và ngoài tỉnh trao đổi, bảo tồn giống cây quý, chuyển giao KHKT, công nghệ vào sản xuất.
Tại các vùng trồng cam ngon nổi tiếng khác như: Khe Mây (Hương Khê); Đức Bồng, Sơn Thọ (Vũ Quang); Sơn Mai, Sơn Trường (Hương Sơn), mấy tháng qua, các chủ vườn cũng tập trung cao độ cho việc chăm sóc những cây cam “chủ lực” để có những quả đẹp nhất, ngon nhất đem đến lễ hội.
Cũng theo tiết lộ của Ban Tổ chức, ngoài cam là sản phẩm chủ lực của lễ hội còn có các sản phẩm đặc sản cây trái khác như: Bưởi, quýt, chanh, hồng, ổi; các sản phẩm đặc sản, thủy hải sản, lâm sản, nông sản; các mặt hàng vật tư nông nghiệp, cây giống phục vụ sản xuất; giới thiệu về sản phẩm, thành tựu văn hóa, khoa học công nghệ và thành quả chương trình xây dựng NMT của tỉnh.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, cam được xác định là cây trồng chủ lực được ưu tiên phát triển tại các huyện miền núi như: Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc, Kỳ Anh... Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2020 mở rộng diện tích cam chất lượng cao từ 2.360 ha lên 4.050 ha; sản lượng 54 nghìn tấn; giá trị sản xuất 1.648 tỷ đồng. |
Theo baohatinh.vn