“Chúng tôi vừa xuất bán 1,2 tấn lúa Thiên ưu 8 sản xuất theo hướng canh tác tự nhiên đầu tiên cho Cty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt với giá gần 11 ngàn đồng/kg, cao hơn gần gấp 2 lần so với lúa sản xuất theo cách thông thường từ trước đến nay”, ông Nguyễn Văn Đống – Trưởng nhóm hộ nông dân thôn Ngô Xá Đông (xã Triệu Trung – huyện Triệu Phong, Quảng Trị), thông báo. Ông Đống cho biết: Vụ hè thu 2016 này là vụ thứ 2 ông cùng với 14 hộ trong thôn sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên trên diện tích 1,5 ha, năng suất đạt gần 52 tạ/ha. Mặc dù phương thức canh tác này đòi hỏi tuân thủ chính xác các yêu cầu kỹ thuật, ngoài ra cần đến sự tỷ mỷ, kiên trì, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Dự án Bảo vệ môi trường huyện Triệu Phong (Tổ chức Tầm nhìn Thế giới) nên qua 2 vụ thực hiện, các hộ dân đã cơ bản tuân thủ đúng quy trình. Do sản xuất theo phương pháp mới, chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến nên lâu nay ông Đống chỉ xuất bán theo hình thức nhỏ lẻ, mỗi lần từ 50 – 70kg. Nay ông và các hộ trong nhóm rất vui mừng khi thông qua sự kết nối của dự án, Cty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt (Thừa Thiên- Huế) sau khi lấy mẫu kiểm nghiệm đạt chất lượng đã ký hợp đồng thu mua với nhóm hộ, giá cao, ổn định. “Chúng tôi cam kết với công ty không sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản nào có nguồn gốc hóa học. Mỗi đợt giao nhận hàng hai bên sẽ xay 100 kg thóc để xác định chất lượng và tỷ lệ gạo. Nếu phát hiện thì công ty có quyền không thanh toán và hủy đơn hàng”, ông Đống nói. Theo ông Đào Văn Đức – Quản lý Dự án Bảo vệ môi trường (BVMT) huyện Triệu Phong: Thời gian qua, dự án đã triển khai mô hình sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên tại 6 xã với 70 hộ tham gia. Đây là phương pháp canh tác được đề xướng và phát triển đầu tiên tại Hàn Quốc. Triết lý của phương pháp canh tác này là tôn trọng tự nhiên, cải thiện chất lượng sản phẩm, bảo vệ đất, nguồn nước. Người dân chủ yếu tận dụng các chất phụ phẩm nông nghiệp có sẵn như thân chuối, dây khoai lang…, qua quá trình lên men đơn giản tạo ra phân bón hữu cơ thay thế cho việc sử dụng phân hóa học. Các chế phẩm dinh dưỡng được tạo ra từ trái cây, cá tạp, xương động vật, vỏ trứng… lên men và thuốc trừ sâu bệnh là các chất liệu tự nhiên từ trong chính vườn của mình như nước gừng, ớt, tỏi… Bà Nguyễn Thị Lan, một trong những hộ nông dân sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên cho biết: Sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên này tôi chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ bằng cách thu gom các phế phẩm nông nghiệp và phân chuồng, quá trình chăm sóc thì sử dụng chế phẩm dinh dưỡng, phòng và trị sâu bệnh bằng nước gừng, ớt, tỏi. Mặc dù mất công từ 7 – 10 ngày phải phun chế phẩm một lần nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe. “Trước đây phun thuốc BVTV mặc dù mang áo quần bảo hộ, đeo khẩu trang kỹ càng nhưng mỗi lần phun xong là tôi mệt lả. Bây giờ phun bằng thuốc thảo mộc không cần bảo hộ gì mà người vẫn bình thường. Lần này trong 1,2 tấn lúa xuất bán cho công ty tôi đóng góp 1,2 tạ. Với giá bán như thế này thì có lợi cho chúng tôi quá”, bà Lan nói. Ông Đào Văn Đức chia sẻ: Qua 2 vụ thực hiện, có thể thấy bên cạnh năng suất lúa tương đương nhau, thậm chí cao hơn thì sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên còn mang lại các lợi ích như: Giảm ô nhiễm môi trường thông qua việc không sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV; tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch gần như tuyệt đối và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Bước tiếp theo, bên cạnh thị trường bán lẻ, dự án tiếp tục kết nối các công ty để tìm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Qua đó thúc đẩy các nhóm hộ trong nhiều xã mở rộng quy mô sản xuất.