Chương trình 168 được triển khai từ năm 2006, với sự tham gia của 7 Bộ gồm Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời cũng hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện ở các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh chia sẻ, với sự nỗ lực của các Bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương trong cả nước, công tác xây dựng pháp luật, tăng cường hoạt động thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã và đang có những chuyển biến tích cực thể hiện rõ trách nhiệm thực thi của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Sau 5 năm triển khai, 7 Bộ cùng các địa phương đã tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền, tập huấn cho các tổ chức cá nhân về những quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng như nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về lĩnh vực này. Có thể kể đến, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức trên 100 hội nghị, lớp tập huấn về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan cho trên 10.000 lượt người tham dự và khuyến cao việc sử dụng các chương trình phần mềm bản quyền cho trên 15 nghìn DN vừa và nhỏ trong hoạt động kinh doanh. Bộ KH&CN tổ chức gần 300 buổi tập huấn, hội thảo cho trên 26 nghìn lượt người tham dự với các nội dung liên quan đến sở hữu công nghiệp; triển khai thực hiện 25 dự án liên quan đến tuyên truyền phổ biến kiến thức về SHTT. Bộ Công Thương cũng đã tổ chức 6 lớp tập huấn chuyên đề liên quan đến hoạt động phòng, chống xâm phạm quyền SHTT với 620 lượt người tham dự, đồng thời tổ chức 4 buổi triển lãm “hàng thật - hàng giả” nhằm tuyên truyền cho công chúng, người tiêu dùng phân biệt hàng giả - hàng thật…
Bên cạnh đó, sau khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực và Chương trình 168 được ban hành, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT tiếp tục đạt những chuyển biến tích cực từ trung ương đến địa phương. Tại biên giới, công tác kiểm soát các cửa khẩu đã được lực lượng hải quan triển khai cùng sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác. Trong nội địa, việc thanh tra, kiểm tra từ khâu sản xuất, lưu thông hàng hóa cũng đã được các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ hơn.
Theo thống kê của Bộ KH&CN, các lực lượng thanh tra, kiểm tra ở các Bộ và các địa phương đã xử lý 4.577 vụ vi phạm về quyền SHTT, tổng số tiền phạt trên 19,7 tỷ đồng và giá trị hàng hóa, phương tiện vi phạm hàng chục tỷ đồng. Trong đó
thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm tra 118 cơ sở trong việc chấp hành quy định về bảo vệ phần mềm máy tính, tác quyền âm nhạc và mỹ thuật ứng dụng. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2012, thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra đột xuất 32 DN, trong đó xử lý phạt 21 DN (nộp phạt 820 triệu đồng), cảnh cáo 2 DN. Thanh tra Bộ cũng đã xử phạt vi phạm hành chính 8 công ty kinh doanh nội dung số có các hành vi lưu trữ, cung cấp và phổ biến đến công chúng một số lượng lớn các bản ghi âm không được sự đồng ý của các thành viên liên đoàn công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) với số tiền phạt 227 triệu đồng.
Thanh tra Bộ KH&CN đã tiến hành thanh tra 159 cơ sở, phát hiện và xử lý 153 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, xử phạt cảnh cáo 9 trường hợp, phạt tiền 144 trường hợp với số tiền trên 2,3 tỷ đồng, buộc tiêu hủy, loại bỏ yếu tố vi phạm ra khỏi nhiều loại sản phẩm, hàng hóa.
Thanh tra ngành thông tin và truyền thông đã thanh tra 1.000 cơ sở, trong đó phát hiện 180 cơ sở vi phạm các quy định về bản quyền trong hoạt động xuất bản, đã xử phạt cảnh cáo 30 cơ sở, phạt tiền 150 cơ sở với tổng số tiền phạt 1,5 tỷ đồng, tịch thu và tiêu hủy 100 tấn sách, 100.000 bản sách vi phạm bản quyền…
Các chuyên gia cho rằng, trong những năm tiếp theo, để việc thực thi cam kết quốc tế về SHTT, đặc biệt là việc đảm bảo một cơ chế thực thi quyền SHTT một cách có hiệu quả hơn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và sự tham gia của các cơ quan tư pháp, trong đó cần thiết phải xây dựng một cơ chế phối hợp chung. Đồng thời, đào tạo cán bộ đầu mối về thực thi quyền SHTT tại các ngành, các cấp, các địa phương. Phát huy tính chủ động, nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền, huy động nguồn lực và sự hỗ trợ của chủ thể quyền trong thực thi nhiệm vụ chống vi phạm…/.
Nguồn tin: truyenthongkhoahoc.vn