Sáng 30/12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ký ban hành Thông tư liên tịch quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 - gọi tắt là Thông tư liên tịch 27).
Tham dự lễ ký kết có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, cùng lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính và Bộ KH&CN.
Tham dự lễ ký kết có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, cùng lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính và Bộ KH&CN.
Thông tư liên tịch 27 có hiệu lực từ ngày 15/2/2016 và sẽ thay thế các nội dung đã quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN ngày 04/10/2006 của liên Bộ Tài chính và Khoa học và Công nghệ, hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước triển khai trong 10 năm qua.
Bộ trưởng Nguyễn Quân (trái) và Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ký Thông tư liên tịch 27 ngày 30/12.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Sau 2 năm tham vấn, trao đổi của 2 Bộ Tài chính và KH&CN với tinh thần đổi mới, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho các nhà khoa học phát triển, nghiên cứu, thể hiện tài năng nhưng vẫn phải đảm bảo sử dụng, quản lý hiệu quả tiền ngân sách nhà nước”.
“Thông tư liên tịch 27 khi có hiệu lực sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt tài chính trong lĩnh vực khoa học. Và trong tương lai, 2 Bộ Tài chính và KH&CN sẽ tiếp tục sát cánh tháo gỡ từng bước các khó khăn để động viên các nhà khoa học”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Hai Bộ trưởng hy vọng Thông tư 27 sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn trong hoạt động KHCN
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết: “Đây là 1 văn bản pháp quy có ý nghĩa lớn, đột phá, thúc đẩy hoạt động KHCN, đặc biệt tiếp cận kinh tế thị trường và hướng đến công nghệ quốc tế. Trên thế giới, các nước cũng làm theo phương thức như vậy”.
“Điểm đổi mới nổi bật trong Thông tư 27 là quy định về phương thức khoán chi - khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Phương thức này áp dụng với các nhiệm vụ được xác định đạt đủ các yếu tố như: tên sản phẩm cụ thể; chỉ tiêu, mức độ chất lượng; số lượng quy mô sản phẩm tạo ra; có địa chỉ ứng dụng; có tổng dự toán các chi mua sắm, sửa chữa tài sản; đoàn ra không quá 01 tỷ đồng…”. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, những nhiệm vụ không hoàn thành sẽ phải hoàn trả 40-100% kinh phí cho ngân sách nhà nước.
Thông tư liên tịch 27 cùng với Thông tư liên tịch số 55 (ban hành ngày 22/4/2015) hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư 121 (ban hành ngày 25/8/2014) quy định về xây dựng các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ công lập sẽ đảm bảo đồng bộ quy trình quản lý, tạo hành lang pháp lý thông thoáng về sử dụng ngân sách nhà nước trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.
http://khoahocphattrien.vn/