Những ưu đãi này được nêu tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) do Bộ KH&CN xây dựng và đang lấy ý kiến đóng góp.
Khó triển khai, ít doanh nghiệp trích lập quỹ
Theo Nghị định 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN, doanh nghiệp nhà nước hằng năm phải trích từ 3-10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển KH&CN của mình. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích một tỷ lệ thu nhập hợp lý để lập quỹ này, tối đa là 10%.
Ảnh: Ngọc Hà
Tuy nhiên kết quả nghiên cứu, đánh giá việc trích lập quỹ phát triển KH&CN do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN thực hiện cho thấy, doanh nghiệp không mặn mà với việc tuân thủ quy định trên do gặp nhiều khó khăn trong triển khai. Mặc dù quỹ được trích lập trực thuộc doanh nghiệp nhưng lại không có pháp nhân độc lập nên doanh nghiệp không chi được quỹ. Thêm nữa, việc sử dụng quỹ được kiểm soát với thủ tục rất chặt chẽ. Do đó, doanh nghiệp rất khó chủ động khi sử dụng quỹ.
Tình trạng trên được coi là một trong những lý do khiến cho từ năm 2009-8/2015, tại TPHCM - nơi có số lượng doanh nghiệp rất đông đảo nhưng chỉ có 98 doanh nghiệp đã báo cáo thành lập quỹ phát triển KH&CN (trong đó có 74 doanh nghiệp nhà nước).
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, từ năm 2009-12/2015 chỉ có 7 doanh nghiệp thành lập quỹ, trong đó có 4 doanh nghiệp đã trích lập quỹ với số tiền khoảng 152 tỷ đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, tại Hà Nội có 45 doanh nghiệp - bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước và 2 tổ chức KH&CN - đã lập quỹ.
Theo ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, từ thực tế khó khăn của doanh nghiệp cũng như kinh nghiệm của một số nước, Bộ KH&CN đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng dự thảo quyết định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Hiện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đã cân nhắc, đánh giá và đề xuất các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước có tính cần thiết và khả thi để xây dựng dự thảo quyết định” - ông Đích nói.
Sẽ có nhiều ưu đãi và tôn vinh
Theo dự thảo quyết định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KH&CN, doanh nghiệp trích lập quỹ được hỗ trợ 100% chi phí thực hiện các hoạt động đánh giá, thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng ngân sách nhà nước nhằm mục đích thành lập doanh nghiệp KH&CN. Đặc biệt, những doanh nghiệp này sẽ được giới thiệu miễn phí các kết quả KH&CN tại sàn giao dịch công nghệ công lập hay trung tâm giao dịch công nghệ công lập trong một năm.
Ông Đích cho biết, đối tượng hỗ trợ chính của các chính sách ưu đãi này là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm giúp tăng cường nguồn lực để thực hiện hoạt động KH&CN.
Đặc biệt dự thảo cũng quy định, những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc quản lý và sử dụng quỹ phát triển KH&CN sẽ được khen thưởng, vinh danh. Cụ thể, những doanh nghiệp trích lập quỹ với tỷ lệ từ 3-5% thu nhập tính thuế hằng năm và sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ để thực hiện các hoạt động KH&CN trong 3 năm liên tiếp sẽ được Bộ trưởng Bộ KH&CN tặng bằng khen; những doanh nghiệp trích lập quỹ với tỷ lệ từ 7-10% thu nhập tính thuế hằng năm và sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ để thực hiện các hoạt động KH&CN trong 3 năm liên tiếp sẽ được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Trao đổi với báo Khoa học và Phát triển, ông Trần Xuân Đích cho biết: “Hiện dự thảo quyết định đang được Bộ KH&CN lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp để sớm hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ”.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng kỳ vọng, chế độ quỹ KH&CN sẽ là một chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời thúc đẩy tối đa sự đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động KH&CN.