Tham dự hội thảo có đại diện của hơn 50 doanh nghiệp, HTX, cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh hiện có 7.165 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, 1.372 hợp tác xã và 62.060 hộ kinh doanh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.267 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), trong đó có 886 thương hiệu được cấp văn bằng bảo hộ.
Về hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, Hà Tĩnh đã xác định 16 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, công nhận 5 làng nghề truyền thống. Ngoài ra, nhiều địa phương cấp huyện đã xác định danh mục sản phẩm chủ lực; một số sản phẩm, ngành hàng mới đang được xây dựng và phát triển phục vụ chương trình mỗi xã phường một sản phẩm. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 10 sản phẩm đặc sản được đăng ký bảo hộ quyền SHTT.
Ông Trần Mạnh Hùng - Quyền Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành (Sở KH&CN Hà Tĩnh) báo cáo thực trạng đăng ký bảo hộ quyền SHTT tỉnh Hà Tĩnh.
Bàn về giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua SHTT tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, trong xu thế hội nhập hiện nay, kiến thức về SHTT phải được phổ cập và trở thành kiến thức cơ bản của các nhà quản lý, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân. Thực tế, hoạt động xây dựng, đăng ký và phát triển quyền SHTT tại Hà Tĩnh vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, do đó cần đẩy mạnh và đa dạng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức SHTT.
Cần có định hướng phát triển doanh nghiệp và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao.
Ông Phan Duy Hùng - Trưởng phòng Truyền thông và Đối ngoại VCCI Nghệ An: Doanh nghiệp cần có thói quen bảo vệ quyền lợi chính đáng qua tố tụng để giải quyết triệt để quyền SHTT.
Thực trạng doanh nghiệp của Hà Tĩnh đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy cần có những giải pháp tổng thể trong việc định hướng phát triển doanh nghiệp đủ mạnh để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao để có cơ sở phát triển công cụ SHTT; triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển SHTT; ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất, chế biến và quản lý (VietGap, GlobalGap, ISO) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gia tăng giá trị sản phẩm và khẳng định uy tín của thương hiệu…
PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh (Trường Đại học Thương mại Hà Nội): Hầu hết doanh nghiệp cho rằng SHTT rất quan trọng nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ cho rằng có thể khai thác thương mại thông qua nhượng quyền và các hoạt động khác.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng đã lắng nghe báo cáo khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh về đăng ký SHTT, nhãn hiệu hàng hóa của VCCI; giải pháp phát triển thương hiệu dựa trên các tài sản trí tuệ của đại diện Trường Đại học Thương mại…
Dương Chiến