09:05 | 14-12-2021

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho người trẻ Hà Tĩnh

Giành giải nhì cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh” năm 2020, ý tưởng xây dựng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn bằng công nghệ lọc tuần hoàn sử dụng Copepoda (thức ăn từ tự nhiên) làm thức ăn của anh Phan Văn Hài (xã Gia Hanh - Can Lộc) đã nhận được nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện từ chính quyền và các tổ chức.

Anh Phan Văn Hài (người đứng bên trái) trong sự kiện Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Quỹ đầu tư - Tập đoàn - Startup hướng đến chuyển đổi số trong ngành nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh tháng 3/2021.

Hiện tại, anh Hài đang hoàn thiện hồ sơ thuyết minh để đề xuất hỗ trợ kinh phí mở rộng quy mô dự án trên thực tế. Anh và các cộng sự đang triển khai xây dựng mô hình với quy mô 3 ha tại xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà.

Anh Hài chia sẻ, từ sự tiếp sức của các chuyên gia cũng như động lực từ cuộc thi, tôi hoàn toàn tự tin để triển khai ý tưởng trên thực tế. Mô hình sử dụng hệ thống lọc cơ học (lọc trống), lọc nước đầu vào đảm bảo chất lượng nước bằng cách giảm chất rắn lơ lửng từ bên ngoài và giảm tác động của vi sinh vật xâm lấn; sử dụng công nghệ nuôi sinh khối Copepoda làm thức ăn cho tôm giai đoạn đầu (20 ngày đầu tiên) giúp tôm có sức đề kháng cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, rút ngắn ít nhất 15 ngày sinh trưởng, giảm từ 30 - 40% chi phí và nâng cao chất lượng so với quy trình cho ăn 100% thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Anh Hài và các cộng sự đang triển khai xây dựng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn bằng công nghệ lọc tuần hoàn sử dụng Copepoda tại xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà.

“Theo tính toán, với 3 ha, tổng lãi ròng dự kiến đạt 823,840 triệu đồng/năm. Đây là mức lãi cao, có xác suất thành công 90%, tỷ lệ lãi ròng so với vốn đầu tư là 94%, so với tổng doanh thu là 30%, thời gian hoàn vốn là 12 tháng. Với người trẻ, điều khó khăn nhất vẫn là vốn, điều mong mỏi nhất hiện nay là được duyệt hồ sơ và nhận kinh phí hỗ trợ để thực hiện đầu tư” - anh Phan Văn Hài chia sẻ.

Cũng giành giải ba từ cuộc thi năm 2020, anh Phan Trung Hiếu (xã Tùng Ảnh - Đức Thọ) có cơ hội mở rộng quy mô dự án “Phát huy tiềm năng kinh tế thông qua việc bảo tồn và phát triển một số loài lan rừng quý hiếm” một cách bài bản hơn.

Anh Hiếu cho hay, có sẵn niềm đam mê với cây lan rừng, tôi tham gia cuộc thi với mục đích tìm kiếm hướng đi đúng đắn và bài bản hơn. Kết quả nhận được như kỳ vọng, tôi được gặp gỡ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực trồng và chăm sóc lan rừng, nhờ đó đã tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Không dừng lại ở đó, tham gia cuộc thi, chúng tôi còn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với những người cùng có đam mê, tiếp xúc với những người có kinh nghiệm để học hỏi. Giữa vòng xoáy “lan đột biến” tôi vẫn kiên trì với lan rừng, bởi không chỉ kinh doanh, ý tưởng của tôi là có thể bảo tồn và nhân giống các loại lan rừng quý hiếm.

Anh Phan Trung Hiếu hiện có hàng nghìn giò lan rừng có giá trị kinh tế cao.

Hiện tại, anh Phan Trung Hiếu có 3.000 gốc với 40 loài lan rừng, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao, bước đầu mang về thu nhập khá.

Ông Nguyễn Hữu Bảy - Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành (Sở KH&CN) cho biết, các dự án tham gia vòng chung kết cuộc thi hàng năm đều được đầu tư bài bản, tâm huyết, có tính khả thi để đưa vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để có hiệu quả, lợi nhuận và thị trường tiêu thụ ổn định thì các dự án cần được sự hỗ trợ thêm từ những mentor (người hướng dẫn), hỗ trợ chính sách từ chính quyền địa phương.

Với vai trò là cơ quan thường trực của cuộc thi, Sở KH&CN luôn động viên kịp thời các dự án sáng tạo và từng bước chuyển hóa ý tưởng đó thành những sản phẩm cụ thể, mang lại giá trị lớn cho cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, có thể xem xét để hỗ trợ về vốn, công nghệ và kỹ thuật cho những dự án tiềm năng.

Năm 2021, cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh” đã lựa chọn được 40 ý tưởng, dự án của các tác giả, nhóm tác giả vào vòng sơ khảo. Đặc biệt, trong đó có 25 dự án đã tạo ra sản phẩm đã và đang triển khai dự án (chiếm 62,5%). Vòng sơ khảo và chung khảo cuộc thi sẽ được tổ chức trong tháng 12/2021.

Ban tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh năm 2021” họp bàn kế hoạch tổ chức chấm thi và trao giải thưởng cuộc thi vào ngày 9/12 vừa qua.

Có thể khẳng định, cuộc thi đã tạo sân chơi bổ ích và trở thành nơi giao lưu, học hỏi, kết nối giữa các bạn trẻ khởi nghiệp cùng ý chí. Giá trị của cuộc thi không chỉ là giải thưởng mà giá trị lớn nhất mang lại chính là được tiếp cho người trẻ “ngọn lửa” đam mê cũng như dám đương đầu với thử thách trên con đường khởi nghiệp.

Dương Chiến/baohatinh.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận