Dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp tại xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh)” là dự án tổng hợp, áp dụng và nhân rộng công nghệ trong trồng trọt và chăn nuôi để nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.
Kỳ Lạc là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên quy mô các mô hình của bà con nông dân vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, nhiều diện tích đất bị bỏ hoang. Nhận diện rõ những khó khăn, hạn chế của địa phương, tháng 8/2020, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Hà Tĩnh đã triển khai dự án “Ứng dụng khoa học - kỹ thuật xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp tại xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh)”.
Đây là dự án tổng hợp, áp dụng và nhân rộng công nghệ trong trồng trọt và chăn nuôi để nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, giúp đỡ cộng đồng dân cư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Mục đích của dự án nhằm hỗ trợ bà con nông dân xã Kỳ Lạc và các xã lân cận khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Từ đó, thực tiễn triển khai dự án sẽ cung cấp thêm những cơ sở khoa học để địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình.
Từ ngôi nhà cũ, không sử dụng, bà Hoàng Thị Quyên (thôn Lạc Trung, xã Kỳ Lạc) xây dựng mô hình trồng nấm với lợi nhuận đạt hơn 30 triệu đồng/năm.
Từ căn nhà cũ, gia đình bà Hoàng Thị Quyên (thôn Lạc Trung, xã Kỳ Lạc) được hướng dẫn để sửa chữa và lắp đặt thành xưởng trồng nấm. Với diện tích 150m 2 , bà Quyên được hỗ trợ trồng thử nghiệm 5.000 bịch nấm sò và mộc nhĩ. Sau 2 vụ thu hoạch, cây nấm đã mang lại cho gia đình hàng chục triệu đồng.
Bà Quyên phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật từ cách trồng, chăm sóc nấm để cho kết quả thu hoạch tốt nhất. Do đây là mô hình trồng nấm đầu tiên ở địa phương nên sản phẩm tiêu thụ rất thuận lợi. Cây nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây nông nghiệp khác. Trong khi đó, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật đơn giản và có tận dụng được thời gian nhàn rỗi của người nông dân”
Những đàn ong giúp gia đình anh Tịnh có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh trồng nấm thì việc ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển các đối tượng nuôi cũng được dự án chú trọng. Trong đó, đáng chú ý là mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình anh Vũ Đăng Tịnh thôn Lạc Trung. Gia đình anh Tịnh là 1 trong 38 hộ nuôi được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Hà Tĩnh hỗ trợ giống và quy trình kỹ thuật chăm sóc.
Anh Vũ Đăng Tịnh cho biết: “Là xã miền núi, vườn nhà chúng tôi sát ngay với đồi, rừng nên có môi trường rất thuận lợi để nuôi ong. Sau khi được hướng dẫn các kỹ thuật tạo ong chúa và nhân đàn; kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho ong; xử lý hiện tượng chia đàn tự nhiên; thu hoạch mật, bảo quản, tiêu thụ thì chúng tôi nhận thấy việc nuôi ong khá dễ. Sau gần 1 năm triển khai, từ 15 đàn ong, đến nay gia đình phát triển thành hơn 60 đàn và đã cho thu hoạch. Trừ chi phí, trung bình mỗi tháng gia đình thu về hơn 10 triệu đồng”.
Chăn nuôi gà cũng là những mô hình có hiệu quả trong sản xuất kinh tế vườn hộ, tạo việc làm, tăng thu nhập, có tiềm năng nhân rộng và duy trì mô hình lâu dài
Hiện tại, từ kết quả mô hình của dự án, đơn vị chủ trì đã phối hợp với địa phương lựa chọn hộ hạt nhân, thành lập HTX nuôi ong lấy mật và đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2021. Qua đó, quảng bá xúc tiến thương mại, tăng thêm nguồn lực đầu tư tạo thành ngành nghề thế mạnh của địa phương trong khai thác lợi thế ven rừng để phát triển kinh tế.
Kỹ sư Phan Văn Huy, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Hà Tĩnh - chủ nhiệm đề tài cho biết, ngoài các đối tượng nấm, ong, dự án còn hướng dẫn bà con xây dựng một số mô hình thử nghiệm trồng ổi, chăn nuôi gà. Trong quá trình triển khai dự án, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn bà con từng công đoạn, từng quy trình chăm sóc để có thể áp dụng một cách hiệu quả. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, mô hình kinh tế tổng hợp đã cho kết quả khả quan và có hướng tái đầu tư phát triển. Kết quả của mô hình là cơ sở khoa học và thực tiễn để người dân trong vùng tham quan học tập kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn xã và các địa phương lân cận. Dự án đã được Hội đồng KH&CN chuyên ngành cấp tỉnh nghiệm thu và xếp loại đạt yêu cầu.
Bà Nguyễn Thị Hiên, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc đánh giá, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức trong sản xuất của người dân. Bà con không còn sự tùy hứng dựa trên kinh nghiệm như trước mà đã tuân thủ quy trình kỹ thuật trong quá trình sản xuất; ứng dụng tốt hơn các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, tạo giá trị cao hơn. Hiện, xã đang tiếp tục nhân rộng các mô hình điển hình, đồng thời ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Trong đó yếu tố mang tính chất nền tảng và xuyên suốt vẫn phải là đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất.
Không chỉ ở xã Kỳ Lạc, phong trào phát triển kinh tế vườn đồi đã được “kích hoạt” ở vùng thượng Kỳ Anh. Nhiều địa phương tổ chức các đợt tham quan, học tập và hỗ trợ cơ chế chính sách để nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, huyện Kỳ Anh ban hành Nghị quyết số 105/NQ-HĐND ngày 5/1/2021, xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ và khuyến khích người dân nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp. Riêng nuôi ong lấy mật, huyện hỗ trợ người dân 500 nghìn đồng/tổ, trở thành “bà đỡ” giúp bà con nông dân khai thác tốt nhất thế mạnh của địa phương.
Dương Chiến/baohatinh.vn