01:44 | 09-11-2020

Xúc tiến việc triển khai Đề án Làng văn hóa Trường Lưu

Chương trình văn nghệ mở đầu lễ kỷ niệm tái hiện lại hoạt cảnh Nguyễn Du đến hát phường vải tại Trường Lưu do các nghệ nhân Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu thể hiện.

Sáng 7/11, Chi hội Di sản Văn hóa Việt Nam tại Hà Tĩnh phối hợp với UBND xã Kim Song Trường và dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu tổ chức kỷ niệm 330 năm ngày sinh, tưởng niệm 270 năm ngày mất của Nguyễn Huy Tựu; kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Nguyễn Huy Vinh; tọa đàm về một số giá trị nổi bật của di sản văn hóa Trường Lưu và góp ý Đề án Làng văn hóa Trường Lưu.

Tham gia buổi lễ có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện; nhiều học giả trong và ngoài tỉnh; chính quyền địa phương và con cháu dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu.

Nguyễn Huy Tựu (1690-1750) là 1 trong 5 người sáng lập ra “Mộc bản trường học Phúc Giang” (còn gọi là Mộc bản Trường Lưu), đã được công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2016.

Đây là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, tại Trường học Phúc Giang, làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, trấn Nghệ An, nay là làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường (Can Lộc, Hà Tĩnh). Đây là bộ sách giáo khoa kinh điển được sử dụng liên tục cho việc dạy và học của hàng ngàn thầy giáo và học sinh qua gần 3 thế kỷ (XVIII - XX).

Tiến sỹ Nguyễn Huy Mỹ tóm tắt thân thế, sự nghiệp cũng như đóng góp của danh nhân Nguyễn Huy Tựu và Nguyễn Huy Vinh cho Di sản văn hóa Trường Lưu

Nguyễn Huy Vinh (1770-1818) là con thứ 2 của nhà thơ Nguyễn Huy Tự (1743-1790), mẹ là bà Nguyễn Thị Bành - con gái Nguyễn Khản, thuộc dòng họ Nguyễn Tiên Điền (Nghi Xuân). Ngoài cuộc đời nối nghiệp dạy học của gia đình, dòng họ, Nguyễn Huy Vinh còn là tác giả của nhiều sáng tác văn học giá trị nằm trong Di sản văn hóa Trường Lưu. Nguyễn Huy Vinh cũng là người có mối lương duyên huynh đệ với Nguyễn Du lúc sinh thời.

Cùng với các danh nhân trong dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, Nguyễn Huy Tựu và Nguyễn Huy Vinh đã góp phần tạo nên những giá trị nổi bật của di sản văn hóa Trường Lưu đối với văn hóa Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Buổi lễ có sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài tỉnh

Tại buổi lễ, các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh cũng đã tham gia thảo luận về những giá trị nổi bật của di sản văn hóa Trường Lưu. Qua đó, đóng góp những ý kiến, kiến nghị đối với việc thực hiện đề án thành lập Làng văn hóa Trường Lưu.

Nhà báo Bùi Minh Huệ, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh: Di sản văn hóa Trường Lưu có nhiều giá trị nổi bật mang tầm cỡ thế giới cần phải bảo tồn, gìn giữ và phát huy nhiều hơn nữa. Việc triển khai đề án thành lập Làng văn hóa Trường Lưu cần học tập cách làm của các nước tiên tiến trên thế giới nhằm phát huy và lan tỏa những giá trị của di sản này.

Ông Lưu Ngọc Thành, giảng viên tại Khoa Di sản văn hóa - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nêu đề xuất thực hiện Đề án Làng văn hóa Trường Lưu với nhiều nội dung cụ thể, chi tiết.

Kết thúc lễ kỷ niệm và tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Nguyễn Tiến Dũng ghi nhận những đóng góp của các đại biểu tham dự chương trình.

Nhấn mạnh những giá trị nổi bật của di sản văn hóa Trường Lưu, ông Nguyễn Tiến Dũng hứa sẽ tiếp thu các ý kiến và cùng với những cấp, ngành liên quan bàn bạc để xúc tiến triển khai Đề án Làng văn hóa Trường Lưu trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Nguyễn Tiến Dũng phát biểu ghi nhận những đóng góp của các đại biểu.

Theo baohatinh.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận