10:45 | 08-07-2021

Một số điểm cơ bản của Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

1. Về Phạm vi điều chỉnh của Nghị định

Điều 1 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định phạm vi điều chỉnh 7 điều của Luật PCTN 2018, gồm: Điều 31 Điểm b khoản 2 về trình tự, thủ tục yêu cầu, thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin để phục vụ việc xác minh tài sản, thu nhập; Điều 35 về Mẫu và việc thực hiện kê khai; Điều 36 Điểm b khoản 3  về người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; Điều 39 Khoản 1, 2 và 5 về thời điểm, hình thức và việc tổ chức công khai bản kê khai; Điều 41 Điểm d khoản 1 về tiêu chí lựa chọn người được xác minh và kế hoạch xác minh của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; Điều 54 về bảo vệ, lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; Điều 94 điểm g, điểm h khoản 1 về xử lý kỷ luật trong kê khai tài sản, thu nhập.

Và Một số biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập phù hợp với phân cấp quản lý cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định tại Quy chế phối hợp giữa các Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định tại Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

2. Về mẫu bản kê khai và việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, Điều 9 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định 2 loại mẫu

Đối với kê khai lần đầu, kê khai hàng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ, được thực hiện theo Mẫu bản kê khai và Hướng dẫn việc kê khai tại Phụ lục I.

Đối với kê khai bổ sung, được thực hiện theo Mẫu bản kê khai và Hướng dẫn việc kê khai bổ sung tại Phụ lục II.

3. Về người có nghĩa vụ kê khai hàng năm
Điều 10 quy định cụ thể người có nghĩa vụ kê khai hàng năm (cụ thể hoá các trường hợp của điểm b khoản 3 Điều 36 Luật PCTN 2018) là:

- Các ngạch công chức và các chức danh sau đây: Chấp hành viên, Điều tra viên, Kế toán viên, Kiểm lâm viên, Kiểm sát viên, Kiểm soát viên ngân hàng, Kiểm soát viên thị trường, Kiểm toán viên, Kiểm tra viên của Đảng, Kiểm tra viên hải quan, Kiểm tra viên thuế, Thanh tra viên, Thẩm phán;
- Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III;
- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
(Riêng đối với Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên (là người có nghĩa vụ kê khai hàng năm đã được nêu đích danh tại điểm a khoản 3 Điều 36 Luật PCTN 2018).

Lưu ý, nếu là đối tượng phải kê khai hàng năm thì không phải thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên.

4. Việc công khai bản kê khai
Điều 11 quy định việc công khai bản kê khai được phân thành 2 nhóm đối tượng theo phạm vi kiểm soát của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Khoản 1, công khai bản kê khai bằng hình thức niêm yết hoặc tại cuộc họp đối với những người thuộc phạm vi kiểm soát của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 30 ; Khoản 2, công khai bản kê khai tại cuộc họp đối với những người thuộc phạm vi kiểm soát của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 30  Luật PCTN.

Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày (Nghị định 78/2013/NĐ-CP thì thời gian niêm yết tối thiểu là 30 ngày liên tục), vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đọc các bản kê khai hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức của đơn vị (phải đảm bảo có mặt tối thiểu 2/3 số người được triệu tập). Bản kê khai được công khai chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Điều 12 quy định công khai bản kê khai đối với người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, phải công khai bản kê khai, bao gồm: bản kê khai lần đầu, bản kê khai phục vụ việc bổ nhiệm và bản kê khai hàng năm hoặc bản kê khai bổ sung liền trước đó. Việc công khai được thực hiện bằng hình thức công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm và được ghi vào biên bản cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

Điều 13 quy định công khai bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm, bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này.

5. Về xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai
Khoản 1 Điều 20 quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, khoản 1 Điều 20 Nghị định quy định trường hợp người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

6. Về xây dựng, phê duyệt và thực hiện kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập

Khoản 1 Điều 14 quy định việc xây dựng kế hoạch xác minh hằng năm phải  căn cứ vào các yêu tố sau: Tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở các ngành, lĩnh vực và địa phương; Các yêu cầu, chỉ đạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng; Định hướng xây dựng kế hoạch xác minh do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan; Khả năng, điều kiện thực hiện các mục tiêu xác minh quy định tại Điều 15 Nghị định này.

Điều 15 quy định trước ngày 31/01 hàng năm, người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài, thu nhập  sản (quy định tại khoản 1, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 30 Luật PCTN) phê duyệt nội dung và ban hành kế hoạch xác minh hàng năm. Riêng Thanh tra tỉnh (quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật PCTN), Chánh thanh tra tỉnh ban hành kế hoạch xác minh hằng năm sau khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nội dung kế hoạch.

Kế hoạch xác minh hằng năm của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải bảo đảm số cơ quan, đơn vị được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát. Trong số các cơ quan, đơn vị này, sẽ tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên (bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính) tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm ở cơ quan, đơn vị đó, đồng thời trong số 10% này phải có ít nhất 01 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Nghị định 130/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020 thay thế Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập./.

https://thanhtratinh.camau.gov.vn/

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận